MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghề “cho chữ” ngày Tết thu tiền triệu mỗi ngày

Văn Sỹ LDO | 21/01/2023 06:15

Không rộn ràng như các phố ông đồ ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, những họa sĩ, người đam mê thư pháp ở một số tỉnh chọn cho mình một góc ở Hội hoa xuân để cho chữ. Bên cạnh thỏa sức với niềm đam mê, những “ông đồ” này cũng có thu nhập bạc triệu mỗi ngày. 

Kiếm tiền triệu mỗi ngày

Hơn 15 năm nay, cứ mỗi dịp Tết hay tỉnh tổ chức những lễ hội văn hóa, họa sĩ Văn Minh Chìu lại được thỏa sức đam mê của mình. Là người viết chữ thư pháp có tiếng ở Bạc Liêu, gian hàng thư pháp của anh được nhiều người đến xin chữ.

 Họa sĩ Văn Minh Chìu đang viết chữ thư pháp cho khách. Ảnh: Văn Sỹ

Tham gia Hội xuân “Chợ quê ngày Tết” năm Quý Mão 4 ngày qua, anh Chìu phục vụ khoảng 400 khách xin chữ trên liễn và khắc vẽ trên trái cây trưng Tết. Thu nhập mỗi ngày cũng khoảng 2 triệu đồng.

“Thư pháp vốn là bộ môn nghệ thuật dùng để chứa đựng tâm tư, tình cảm và giá trị truyền thống của dân tộc nên đòi hỏi người viết phải am hiểu về nhân sinh, thế thái mới có thể biểu lộ được tâm ý của con người thông qua chữ viết.

 Họa sĩ Văn Minh Chìu là thư pháp gia nổi tiếng được nhiều người yêu bộ môn thư pháp đặt hàng vẽ, viết chữ thư pháp mỗi dịp Tết đến Xuân về. Ảnh: Văn Sỹ

Tôi thấy vui là dù xã hội hiện đại, vẫn còn nhiều người muốn lưu giữ nét văn hóa của Tết xưa, nhất là các bạn trẻ. Riêng tôi, mỗi nét vẽ, nét viết cho khách là bằng cả tâm huyết của mình để được đẹp nhất, chuẩn nét nhất”- Họa sĩ Văn Minh Chìu chia sẻ.

Doanh nhân cũng đi "cho chữ"

Anh Trần Cao Lĩnh là một doanh nhân trẻ ở Bạc Liêu, thế nhưng, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, anh lại chuẩn bị đồ nghề để mang niềm vui đến cho những người yêu thích nét đẹp của thư pháp.

“Tuy không xuất thân từ mỹ thuật, cũng không qua trường lớp nào, nhưng tôi lại rất mê viết chữ thư pháp. Công việc kinh doanh của tôi cũng khá bận rộn, tuy nhiên, tôi sắp xếp cho gia đình và nhân viên để được tham gia Hội xuân với mong muốn mang hương xuân đến với những người yêu thích.

Anh Trần Cao Lĩnh đang viết chữ thư pháp cho khách. Ảnh Văn Sỹ 

Tại Hội xuân này, trung bình mỗi ngày tôi phục vụ khoảng 50 đến 70 khách. Đa số khách yêu cầu vẽ chữ, hoa văn, khung cảnh xuân trên liễn, trái cây trưng Tết.

Là một “ông đồ” trẻ, Nguyễn Hoài Vân, 22 tuổi quê ở Đồng Tháp cũng làm nghề "cho chữ” 5 năm nay. Hoài Vân cho biết, do có niềm đam mê với thư pháp nên từ khi còn là học sinh cấp 3, Vân đã học hỏi viết, vẽ thư pháp từ những người thành công với bộ môn này.

 “Ông đồ” trẻ, Nguyễn Hoài Vân viết chữ thư pháp trên bao lì xì. Ảnh: Văn Sỹ

Hoài Vân chia sẻ, dịp Tết Quý Mão này, mỗi ngày, em cho chữ hơn 100 lượt khách. Người xin chữ có thể lựa chọn bao lì xì, móc khóa hay những tấm liễn, câu đối để đề chữ. Với những sản phẩm đơn giản như móc khóa, bao lì xì, Vân chỉ mất khoảng 5 phút để hoàn thành với giá dao động từ 10.000 - 50.000 đồng. Liễn, câu đối sẽ có giá giao động 50.000 - 300.000 đồng, tùy vào chất liệu sản phẩm và công sức.

“Làm việc vào những ngày này tuy cực mà vui, được gặp gỡ, trao đổi thông tin với nhiều người khiến thế giới quan của mình thêm rộng mở. Đặc biệt là em có cảm nhận được mùa xuân đang rộn ràng khắp nơi nơi”- Hoài Vân chia sẻ thêm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn