MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghề lặt lá kiếm tiền triệu ngày giáp Tết: Đơn giản, nhưng không “dễ ăn”

Thanh Nghĩa LDO | 19/01/2022 09:10
Đồng Tháp - Những ngày này, các nhà vườn trồng mai ở miền Nam đang tất bật với công việc lặt lá để những cây mai ra hoa đồng loạt vào dịp Tết. Việc lặt lá mai thường chỉ diễn ra trong vòng 1 tuần lễ, đây cũng là khoảng thời gian giúp nhiều lao động thời vụ có thêm thu nhập mua sắm Tết.

Tại Câu lạc bộ mai vàng ở xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, những ngày này, gần 20 anh chị em trong đội lặt lá mai đang tất bật với công việc của mình. Việc lặt lá mai thường được diễn ra từ mùng 10 đến ngày 17 tháng Chạp âm lịch. Để chọn ngày lặt lá cho cây mai, người trồng phải căn cứ vào nụ hoa để làm sao cho cây mai nở hoa đồng loạt đúng vào những ngày Tết.

Những cây mai to phải cần nhiều người cùng lặt lá mới xong. Ảnh: Thanh Nghĩa

Anh Trần Văn Hung, thành viên đội lặt lá mai ở xã Tân Phước (huyện Lai Vung) chia sẻ kinh nghiệm: “Khi thấy nụ mai còn nhỏ thì mình lặt sớm còn nụ mai lớn sẽ lặt lá trễ hơn, nhưng trễ lắm cũng chỉ ngày 16 hoặc 17. Lặt lá xong, để cây mai ra hoa đúng Tết thì cũng phải tưới nước đều đặn. Không được tưới nước quá nhiều mà cũng không được tưới nước thất thường, mỗi ngày tưới nước 1 lần là tốt nhất”.

Tùy theo cây mai lớn hay nhỏ, cao thấp mà có sự phân công cho phù hợp. Những cây mai nhỏ thì việc lặt lá sẽ đơn giản hơn, với những cây cao to, tàn lớn phải dựng giàn giáo để trèo lên cao.

Với những cây mai cao, người lặt lá phải leo lên giàn cao. Ảnh: Thanh Nghĩa

Thoạt nhìn, ai cũng nghỉ công việc này khá giản đơn nhưng thực chất công việc này cũng đòi hỏi nhiều kỹ thuật, tỉ mỉ. Công việc này đòi hỏi người làm phải có sự kiên nhẫn, đam mê với công việc mới làm được, bởi lặt lá mai phải đứng cả ngày dưới nắng, lặt từng chiếc lá một.

Với gần 5 năm trong nghề lặt lá mai, chị Phan Thị  Lệ Quyên - thành viên đội lặt lá mai ở xã Vĩnh Thới (huyện Lai Vung) chia sẻ: “Nghề này thấy dễ mà cũng không dễ. Khi lặt lá phải kỹ, phải nâng niu cành mai nếu không sẽ rớt nụ thưa bông. Quan trọng nhất là không được làm gãy cành, nhánh nếu không sẽ phá dáng thế của cây, chủ mai sẽ không dám thuê mình vào những năm sau nữa. Nói chung làm nghề này cũng một phần kiếm thêm thu nhập, một phần cũng vì sở thích, nhìn những cây mai trổ đầy bông sau khi lặt lá thì thấy rất vui”.

Việc lặt lá mai đòi hỏi sự tỉ mỉ cao ở người lặt. Ảnh: Thanh Nghĩa

Ngoài đòi hỏi sự tỉ mỉ, việc lặt lá mai cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Trong các đội lặt lá mai, phần lớn các thành viên đều có từ 3 năm kinh nghiệm trở lên. Hiện tại, tiền công lặt lá mai được chủ vườn thuê với mức 200.000 đồng/ngày đối với nữ và 300.000 đồng/ngày đối với nam. Qua một mùa lặt lá, mỗi thành viên trong đội cũng có thu nhập vài triệu đồng, giúp chi phí để mua sắm Tết của gia đình.

Chị Lê Thị Kim Thanh - đội trưởng đội lặt lá mai xã Vĩnh Thới (huyện Lai Vung) cho biết, đội của chị hiện có khoảng 20 thành viên. Hàng năm cứ từ ngày mùng 10 là đội bắt đầu công việc lặt lá mai. “Tùy vào vườn trồng mai ít hay nhiều mà mình phân bố lực lượng. Chủ yếu là mình làm có uy tín năm nay làm là năm sau người ta sẽ kêu nữa”, chị Thanh chia sẻ.

Đặc tính của cây mai là cây ra hoa khi rụng hết lá, do đó, việc lặt lá là cách kích thích để cho cây ra hoa. Ngoài ra, việc lặt lá còn giúp cây mai phô ra được dáng thế đẹp cũng như bộ gốc của cây, giúp người chơi cây kiểng cảm nhận được vẻ đẹp trọn vẹn của cây mai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn