MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuộc sống của chị Chiến đã bình thường, vui vẻ hơn. Ảnh: P.Đ

Nghe người phụ nữ từng bị lừa bán sang Trung Quốc kể chuyện tìm kế về nước

Phạm Đông LDO | 20/03/2021 17:08

Bị lừa bán sang Trung Quốc hơn 30 năm về trước, một phụ nữ ở Phú Thọ đã trốn thoát được về nước và gặp lại gia đình. Đến nay, đã tròn 1 năm thời khắc người phụ nữ ấy được về quê hương trong sự xúc động, nghẹn ngào của gia đình, người thân.

5 ngày, 5 đêm băng rừng trốn về nước

Tháng 3.2020, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đưa một người phụ nữ hộ khẩu ở tỉnh Phú Thọ bị bán sang Trung Quốc từ năm 1990. Nạn nhân là chị Hà Thị Chiến (SN 1978).

Người cha già đón con trở về sau 30 năm bị lừa bán sang Trung Quốc. Ảnh Quang Hưng

Sau 1 năm kể từ ngày đoàn tụ, gia đình ông Hà Văn Hoạt (69 tuổi, tại xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn) có nhiều tiếng cười, niềm vui nhất trong suốt hơn 30 năm qua. Dù gia cảnh khó khăn, nhà thuộc hộ nghèo ở địa phương nhưng chị Chiến vẫn vui và tươi hơn khoảng thời gian tăm tối khi ở bên Trung Quốc.

Trong căn nhà sàn được nhà nước hỗ trợ dựng lên, chị Chiến kể lại, năm 1990, khi mới 12 tuổi, chị Chiến theo lời của một người quen rủ sang Trung Quốc. Nhưng vừa đặt chân qua biên giới, chị bị chính người quen bán cho một gia đình bên đó.

Chị Chiến vẫn chưa hết xúc động khi nhắc về quá khứ của mình. Ảnh: P.Đ

“Sang đó tôi sống tủi nhục lắm, cay đắng lắm, nhiều lần tôi tìm cách bỏ trốn nhưng không thành, vì các đối tượng quản lý chặt chẽ. Cứ lần nào chốn thì lần đó bị bắt. Bị tra tấn đủ bằng những đòn roi, có nhiều lần nát người đến sợ hãi không dám trốn nữa”, chị Chiến rùng mình bập bẹ kể chuyện.

Nhưng đầu năm 2020, lợi dụng tình hình dịch COVID-19 tại Trung Quốc diễn biến phức tạp, chị Chiến đã bỏ trốn được về nước. Thời điểm đó, chị cùng một người ở Ninh Bình mới bị bán sang lấy can đảm cả 2 cùng bỏ trốn, 5 ngày, 5 đêm băng rừng mới đến biên giới.

1 năm nay chị Chiến vẫn chịu khó tập viết chữ.

“Thực sự đến bây giờ, mỗi khi ngủ tôi vẫn còn mơ thấy những tủi nhục khi còn ở Trung Quốc” - chị Chiến xúc động kể.

Hơn 1 năm qua, chị Chiến học lại tiếng Việt từ người cháu họ học lớp 4, rồi ở nhà chăm sóc cha mẹ già, nuôi gà, 2 con trâu. Khi nào sõi chữ chị sẽ ra ngoài tìm việc kiếm tiền nuôi bố mẹ. Hiện, cuộc sống có khó khăn, vất vả đôi lúc có nản lòng, nhưng được đoàn tụ với bố mẹ sau chừng ấy năm lang bạt thì chị vẫn vui.

Hành trình đầy gian khó của người cha

Ngày cha con đoàn tụ diễn ra trong sự xúc động, nghẹn ngào. Những giọt nước mắt với niềm hạnh phúc không tả xiết của gia đình, người thân.

Hơn 30 năm vất vả đi tìm con, nhà thuộc diện hộ nghèo, kinh tế đặc biệt khó khăn. Vợ lại bị bại liệt sau một lần đột quỵ, phải nằm giường nhiều năm, bản thân ông Hoạt cũng bị tật ở chân phải đi tập tễnh. Nhưng ông Hoạt vẫn không nản lòng với hành trình 30 ròng rã tìm chị Chiến. Cuối cùng ông cũng được mãn nguyện.

Sau 1 năm đoàn tụ, chị Chiến cũng vui hơn phần nào.

Nhớ lại khoảnh khắc gặp lại con, ông Hoạt đến giờ vẫn chưa tin 1 năm qua ở cạnh con là sự thật. Bởi lúc được công an báo tin con gái trở về, ông còn cười và nghĩ rằng chỉ là mơ thôi. Phải cho đến khi các chiến sĩ công an đưa về đến ngay trước mắt, cha con tay nắm tay, nước mắt tuôn trào, ông mới dám nghĩ đây không phải là giấc mơ.

"Ở cái tuổi này ngờ đâu lại có ngày gặp lại con, còn có thể đón và ôm con như thế này. Tôi không biết nói gì ngoài cảm ơn các chú bộ đội, chú công an đã giúp đỡ đưa cháu về với gia đình", ông Hoạt tâm sự.

Ông Hoạt nghẹn ngào kể về câu chuyện của gia đình. Ảnh: P.Đ

Ngày cha con ông Hoạt đoàn tụ, hàng xóm láng giếng đến chúc mừng. Làm sao có thể không mừng, khi nhiều người trong thôn chứng kiến cảnh ông Hoạt đã dùng nửa đời người tìm kiếm, mong ngóng tung tích con gái trong vô vọng. Mọi người gọi đây là cuộc đoàn tụ thần kỳ bởi ai ngờ đâu sau ngần ấy năm lưu lạc, gia đình còn ngày đoàn viên.

Trao đổi với Lao Động chiều 20.3, Chủ tịch UBND xã Thu Ngạc Hoàng Văn Liêm cho biết, hơn 1 năm qua chị Chiến trở về nhà và hoà nhập được với mọi người xung quanh. Hiện tại chị Chiến đang ở nhà chăm bố mẹ già, làm đồng áng và chăn nuôi. Hội phụ nữ xã cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên chị Chiến, giúp chị tự tin khi ra ngoài cộng đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn