MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đào nở sớm luôn được giá, được ưa chuộng và đắt khách bởi số lượng không nhiều. Ảnh Lan Như

Nghề trồng đào Tết như "đánh bạc" với thời tiết

Lan Như LDO | 17/12/2020 10:55

Hai tháng trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, người trồng đào Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) bắt đầu “chạy nước rút” các công đoạn để kịp phục vụ thú chơi đào cho người dân.

Tất bật những ngày cận Tết

Hoa đào được trồng hầu khắp các tỉnh thành miền Bắc. Thế nhưng, đào Nhật Tân lại mang một vẻ đẹp riêng độc đáo, cuốn hút khó có ở đâu sánh được. Thời điểm này, đến Nhật Tân, không khó để chiêm ngưỡng những bông hoa đào nở sớm. Với người Nhật Tân, những gốc đào nở sớm như một dấu hiệu thông báo Tết đến xuân về.

Dọc ngõ 264 Âu Cơ, từng nhóm người đang tất bật chăm sóc đào. Thế mới thấy, để có được cây đào đẹp, nhà vườn phải vất vả chăm sóc tỉ mỉ nhiều đến thế nào.

Công đoạn chở đất cho vào chậu chăm bón những cây đào thế để chuẩn bị đến ngày tuốt lá. Ảnh: Lan Như.

Ngồi bệt dưới gốc đào nghỉ ngơi sau khi xén đất, ông Dân (59 tuổi) quê ở Cao Bằng bộc bạch: “Làm nghề này vất vả lắm, thời điểm vào vụ mùa hầu như không có thời gian để về thăm nhà”.

Gắn bó với làng đào Nhật Tân đã 12 năm, ở độ tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi êm ấm bên gia đình, ông Dân vẫn chọn gắn bó với cây đào phần vì mưu sinh, phần vì tình yêu tha thiết dành cho nó.

“Thời điểm bận nhất vào khoảng tháng 12 Dương lịch, lúc này một chủ vườn phải thuê tầm 20 người mới kịp thực hiện các công đoạn” – ông Dân nói.

Cũng theo ông Dân, đa số những gốc đào to trong vườn đều đã được khách hàng đặt trước, nhiều khách từ miền Nam cũng đặt mua, chấp nhận vận chuyển bằng máy bay. Thời điểm này, nhà vườn chỉ bê cây đặt vào chậu, chăm bón, tuốt lá, tưới nước, uốn nắn… căn sao cho hoa nở đúng ngày để phục vụ thị trường.

Kế bên ông Dân, chị Nguyễn Thị Hiền (Bắc Giang) đang tỉ mẩn tuốt từng chiếc lá. Theo chị Hiền, công đoạn tuốt lá không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng yêu cầu người làm phải thật cẩn thận, tránh làm gãy cành.

“Mỗi năm đến thời gian này chủ vườn cần người thì mình đi làm. Vào vụ mùa, đỉnh điểm nhất phải có hàng chục người làm mới xuể. Công việc này chỉ kéo dài tầm 10 ngày, tuốt hết lá là hết việc”, chị Hiền chia sẻ.

Công việc vất vả cả ngày, tiền công của những người làm công việc tuốt lá, làm cỏ… được khoảng 250.000 đồng/người/ngày. Ảnh: Lan Nhi.

Thời điểm này, những cây đào thế đã cơ bản hoàn thành giai đoạn tuốt lá, chuyển sang giai đoạn vun đất hoặc đánh cây vào chậu. Riêng đối với những loại đào tròn, đào thất thốn mới vào giai đoạn tuốt lá và làm cỏ.

“Quả ngọt” phụ thuộc vào thời tiết

Làm đào phải vất vả chăm sóc quanh năm, từ những ngày đầu ươm cây, rồi tạo thế, ghép gốc. Thế nhưng “Nghề trồng đào còn phụ thuộc phần lớn vào thời tiết. Chỉ sợ năm nào mùa đông ấm quá, tất cả hoa đào nở sớm không kiểm soát được, chúng tôi chỉ có mất tết” – anh Hiệp Vụ, chủ vườn đào cổ ở làng Nhật Tân chia sẻ.

Cũng theo anh Vụ, đào phải được tỉa bớt rễ trước khi đưa lên chậu để cây không bị chết rồi mới đến quy trình tuốt lá. Công đoạn tuốt lá quyết định cây đào có nhiều hoa và nở đúng dịp Tết hay không.

Những cây đào được di chuyển về vườn để kịp đưa vào chậu mới, bón phân, thêm đất, cắt rễ, tỉa cành cho kịp ra hoa Tết Nguyên Đán.

Cây nhỏ thì đơn giản, còn đào thế những năm gần đây nhiều hộ dân tiến hành cấy ghép lên thân cây đào rừng cao tới 2 – 3m. Vì thân to tròn nên rất khó di chuyển, tuy nhiên do phục vụ theo nhu cầu thị trường nên cần phải áp dụng phương pháp này.

Bỏ công bỏ sức nhiều là vậy nhưng nghề trồng đào như “đánh bạc” với thiên nhiên, năm được năm mất chẳng thể biết trước được. Năng suất và sinh lời cũng phải phụ thuộc vào thời tiết. Nhiều chủ vườn cho biết, có những năm mất trắng vì hoa nở sớm giống như Tết năm 2019. Trời nắng nóng chưa kịp tới ngày hoa đào đã nở bung, không bán được nên thiệt hại nặng lên đến hàng trăm triệu đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn