MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường học của người Việt trên Biển Hồ.

Nghẹn lòng với trẻ em Việt trên Biển Hồ

Lục Tùng LDO | 30/09/2017 10:10

Tonle Sap (Campuchia) là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á nên được người Việt gọi là Biển Hồ. Tại địa phận tỉnh Siêm Riệp hình thành một làng người Việt trên Biển Hồ với khoảng 500 hộ. Do điều kiện sống đặc thù trên sông nước nên đời sống của người Việt nơi đây cũng hết sức đặc thù, nhất là với trẻ em, các em đang sống với sự đặc thù đến nghẹn cả lòng.

Các gia đình phải dùng những chiếc ghe, bè làm nhà. Và vì thế không chỉ có mưu sinh kiếm sống hay đi-lại, mà ngay cả việc học chữ theo chương trình tiếng mẹ đẻ ở đây cũng diễn ra ngay trên những chiếc bè chòng chành trên mặt sóng. Vì lẽ đó mà tuy nơi đây có trường tiểu học (dạy theo chương trình Việt Nam) miễn phí dành riêng cho cư dân Việt trên Biển Hồ, nhưng số học sinh đến đây học không được nhiều.

Có nhiều lý do, nhưng nói gọn là vì nghèo.

Do nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên đang sụt giảm, đa số đời sống người dân nơi đây rất nghèo nên bà con ít cho con đi học. Điều này cũng dễ hiểu vì sao nhiều người Việt ở đây không biết được “chữ bẻ đôi”...

Để có nguồn kinh phí nuôi lớp trong điều kiện lớp dân lập và áp dụng chế độ miễn toàn bộ học phí và nuôi 1 bữa ăn trưa, những người làm quản lý phải vận động quyên góp từ nhiều nguồn. Trong đó có cả nguồn từ khách đi du lịch Biển Hồ. Vô hình trung đã biến lớp học thành điểm đến của du lịch.

Khách nào đến cũng chụp ảnh, hỏi thăm (trực tiếp hoặc thông qua phiên dịch) nên việc học thường xuyên bị gián đoạn. Trong khi đó, không phải khách nào cũng đóng góp và nhiều lý do khác nhau nên nếu có dịp tận mắt chứng kiến bữa ăn của các cháu chắc hẳn ai cũng sẽ nghẹn lòng...

Trường học của người Việt trên Biển Hồ.
Một góc Biển Hồ, hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Đông Nam á- nơi có trên 500 hộ người Việt sinh sống trên hồ thuộc địa phận tỉnh Siêm Riệp.
Lấy ghe, bề làm nhà, cuộc sống chòng chành theo sóng nước.
Việc đi lại của người dân ở đây chủ yếu là ghe, xuồng...
Nhiều gia đình đều có mong muốn con cháu được học tiếng mẹ đẻ nên dùng xuồng, ghe chở con, cháu tới lớp.
Giờ học ở trường dạy chương trình Việt Nam trên Biển Hồ.
Nhưng cũng có những gia đình khó khăn, cha mẹ phải đi đánh bắt thủy sản mưu sinh.
Nhiều em lần theo các bè du lịch để xin tiền du khách.
Tuy nhiên, vì để có nguồn kinh phí duy trì việc dạy học, lớp học ở đây đành chấp nhận cho du khách đến thăm viếng nên không khí học tập nhiều lúc bị gián đoạn
Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, bữa ăn miễn phí ở đây rất đạm bạc.
Không canh, không rau, khẩu phần trong bữa ăn của nhóm 4 học sinh chỉ có như vầy.
“Cận cảnh” bát cơm chan nước cá kho của học sinh
Nước uống cho các em cũng là nỗi quan ngại.
Giờ ra chơi, các em chỉ có lựa chọn duy nhất: Vui đùa ngay trong lớp, vì xung quanh toàn là sóng nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn