MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người bệnh được hưởng lợi khi tham gia BHYT. Ảnh: Thuý Ninh

Nghị định đột phá, gỡ vướng trong thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Lệ Hà LDO | 26/10/2023 08:36

Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP với các quy định mang tính đột phá, gỡ được nhiều vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).

Hàng loạt rào cản khi tham gia bảo hiểm y tế

Chất lượng khám, chữa bệnh nhìn chung còn chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh (KCB), thủ tục khám chữa bệnh còn phiền hà, vẫn còn tình trạng quá tải ở tuyến trên... Đây là những thực tế khiến không ít người dân không “mặn mà” với BHYT.

Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - Nguyễn Đức Hòa, sau quá trình thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, số người tham gia BHYT tăng nhanh.

Cụ thể, năm 2014, tỉ lệ bao phủ BHYT chỉ đạt 64,6% dân số; đến hết năm 2022, số tham gia đã đạt 91,07 triệu người, đạt tỉ lệ bao phủ 92,04% dân số. Đến hết tháng 7.2023, cả nước đã có 91,3 triệu người tham gia BHYT.

Trong giai đoạn 2010-2014, tần suất KCB bình quân là 2,11 lượt/thẻ BHYT. Trong 2 năm 2018-2019, con số này lần lượt là 2,11 và 2,15 lượt/thẻ.

Năm 2022, tổng chi KCB BHYT là 105.949 tỉ đồng, tăng 19.072 tỉ đồng so với năm trước; mức chi bình quân/lượt KCB BHYT là 704.000 đồng, mức chi bình quân/lượt điều trị nội trú là 4,3 triệu đồng, chi bình quân/lượt điều trị ngoại trú là 294.000 đồng.

Quy định mới về BHYT gỡ vướng việc thanh toán cho cơ sở khám chữa bệnh

ThS Trần Thị Trang - Quyền Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) - cho biết: Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17.10.2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.

Nghị định đã có các quy định mang tính đột phá, gỡ được các “nút thắt” vướng mắc trong cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT để tạo thuận lợi cho công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT; bổ sung và hỗ trợ mức đóng BHYT, sửa đổi mức hưởng BHYT và tăng cường vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.

Theo bà Trang, mức hưởng BHYT được nâng từ 80% lên 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng là người có công với cách mạng quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP như thanh niên xung phong; cán bộ, chiến sĩ Công an đã được giải quyết hưởng chế độ theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; dân công hỏa tuyến; bổ sung mức hưởng cho nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số thoát nghèo và nhóm đối tượng đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 131/2021/NĐ-CP.

Theo bà Trang, Nghị định 75 đã bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT, thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo phương thức thanh toán theo giá dịch vụ được áp dụng từ ngày 1.1.2019.

Đồng thời, quy định việc giao dự toán chi phí KCB BHYT cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thực hiện thông báo số dự kiến chi KCB BHYT tới cơ sở KCB để làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng kinh phí KCB BHYT trong năm nhưng không áp dụng làm căn cứ tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí KCB BHYT của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp vượt số dự kiến chi.

“Các quy định này sẽ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thanh toán chi phí khám bệnh chữa bệnh BHYT giữa cơ sở KCB và cơ quan BHXH, tạo điều kiện cho cơ sở KCB, nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo đảm quyền lợi của người bệnh BHYT” - bà Trang cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn