MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Nguyễn Thị Hương đã vượt lên trên số phận, truyền cảm hứng sống cho nhiều người xung quanh. Ảnh: Lan Nhi

Nghị lực sống phi thường của nữ nghệ nhân đi bằng “hai tay”

Phạm Đông - Lan Nhi LDO | 20/10/2019 11:00

Từ một người tật nguyền, bà Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1970, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội) đã vượt lên trên số phận trở thành nghệ nhân khảm trai nổi tiếng, truyền cảm hứng sống và làm việc cho nhiều người xung quanh.

Không cam chịu số phận

Trong căn phòng nhỏ bộn bề đồ mỹ nghệ, những mảnh khảm trai vụn được cắt ghép một cách tài tình, bà Nguyễn Thị Hương vừa tất bật hoàn thiện sản phẩm vừa tận tình chỉ dạy cho gần chục công nhân làm nghề. Đôi chân khiếm khuyết, ngày càng teo dần, thế nhưng chẳng thể nào cản nổi khát vọng sống ở người phụ nữ này.

Xưởng sản xuất thủ công mỹ nghệ khảm trai của bà Hương.

Không cam chịu số phận, bà Hương đã nỗ lực luyện đi bằng chính đôi tay của mình. Mỗi khi di chuyển, bà Hương lại ghì hai tay xuống nền đất để tạo lực, di chuyển quanh xưởng để hoàn tất công việc. Lúc thì bà dùng đôi tay bấu víu vào thành giường, thanh gỗ, những vật dụng xung quanh nhà, kéo lê đôi chân teo tóp từng bước một.

Khó khăn là vậy, nhưng với sự động viên, giúp đỡ của gia đình, bà Hương đã vượt qua những mặc cảm, khiếm khuyết của bản thân, dần thay đổi từng ngày. “Tàn nhưng không phế”, bà đã kiên trì, học hỏi nghề khảm trai ở địa phương, tự mở xưởng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người dân địa phương.

Bà Hương đã tự mở xưởng, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.
Không đi lại được bằng chân nhưng bù lại bà Hương có 1 đôi  rất khỏe và khéo léo.

Bà Nguyễn Thị Hương chia sẻ: “Sinh ra trong hoàn cảnh đã nhiều thiệt thòi, đôi chân ngày một teo lại, những mặc cảm cứ thế lớn dần trong tôi. Cứ ngỡ cả đời này sẽ gắn bó với bốn bức từng trống vắng, nhưng với sự động viên rất lớn của người thân, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính mình tôi đã vượt qua tất cả, trở thành người có ích cho cộng đồng...”

Niềm tin phía trước

Sau nhiều năm kiên trì luyện tập đau đớn như vậy, giờ đây bà Hương đã có thể di chuyển thành thạo bằng đôi tay của mình, trước sự khâm phục của mọi người xung quanh. Vươn lên trong nghịch cảnh, bà Hương bắt đầu thử sức mình bằng nhiều nghành nghề như đan võng, bán bánh mỳ, gom phế liệu, sau đó là khảm trai... kiếm từng đồng tự nuôi sống bản thân.

Chị Nguyễn Thị Nụ (sinh năm 1984, thôn An Mỹ, xã Đại Thắng) đã gắn bó với xưởng sản xuất của bà Hương đã gần 20 năm nay.

Suốt 30 năm qua, xưởng thủ công mỹ nghệ của bà Hương đã dạy nghề cho gần 100 người theo học tại xưởng, trong đó có rất nhiều những số phận bất hạnh, không may bị khiếm khuyết như bà. Những mảnh đời đến từ các tỉnh thành khác nhau như Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình... cùng tụ hội về đây trong căn xưởng nhỏ bé này, họ có niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống.

“Điều quan trọng nhất phải tin vào bản thân mình, tin vào tương lai phía trước. Tôi sẵn sàng đón nhận và giúp đỡ hết mình những người khuyết tật nào có mong muốn đến chỗ tôi học nghề để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội..”, bà Hương cho hay.

Rất nhiều người trong xưởng cảm phục ý chí và tinh thần của bà Hương.

Trao đổi với Lao Động, ông Hoàng Mạnh Tuyến (sinh năm 1957) - Trưởng thôn Vạn Điểm cho biết tuy hai chân bị tật không thể đi lại bình thường được, nhưng với nghị lực sống và lòng quyết tâm không ngừng nghỉ, bà Nguyễn Thị Hương là một trong những tấm gương sáng để người dân, lớp thế hệ trẻ học tập và noi theo.

Theo Trưởng thôn Vạn Điểm, bà Hương đã vượt qua hoàn cảnh sống, chiến thắng nỗi đau, mở xưởng tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người lao động tại địa phương, điều đó là rất đáng quý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn