MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không thể nói chuyện bằng lời, anh Phóng có thể trao đổi bằng chữ viết

Nghị lực vượt khó của người đàn ông bị câm điếc bẩm sinh

Phan Thị Kiều LDO | 03/11/2017 11:05
Bị câm điếc bẩm sinh do di chứng của chất độc màu da cam nhưng anh Nguyễn Công Phóng (42 tuổi, xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) vẫn quyết tâm vượt lên số phận để nuôi sống bản thân và gia đình.

Ông Nguyễn Công Sâm (bố anh Phóng) là một người lính đã từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, bị nhiễm chất độc hóa học. Vì di chứng của chất độc màu da cam, ngay từ khi sinh ra, anh đã mắc căn bệnh câm điếc bẩm sinh.

Phòng khách nhà anh Phóng được trưng dụng để đặt các sản phẩm mỹ nghệ

Không nghe nói được nên anh Phóng không đến trường học. Năm 7 tuổi, anh được gia đình gửi đi học ở trường dạy nghề của tỉnh, vừa học văn hóa vừa được dạy nghề. Việc tiếp thu kiến thức gặp trở ngại lớn nên anh chỉ dừng lại ở trình độ văn hóa lớp 5. Trong thời gian học, trường có mời nghệ nhân khắc tượng ở Ý Yên - Nam Định về dạy. Nhờ đó anh đã học được nghề mộc và chạm khắc gỗ.

Sau 5 năm học nghề ở trường tỉnh, anh đi làm thuê cho các xưởng làm mộc ở nhiều nơi để tích lũy kinh nghiệm. Có lần anh sang tận Lào để làm việc. Vì khuyết tật, nhiều lần anh bị người ta lừa, không được trả tiền công. Khi làm thuê ở Hải Phòng, anh được một nghệ nhân người Việt gốc Hoa truyền cho nghề chạm khắc đồ thờ cúng.

Năm 2000, anh lập gia đình. Ngày mới cưới, anh vẫn đi làm thuê. Sau khi đứa con gái đầu lòng ra đời, anh quyết định dồn vốn mở xưởng sản xuất tại gia. Anh nhận gia công các mặt hàng gỗ từ bàn ghế, giường kệ,… cho đến những đồ thờ cúng. Ban đầu, khách hàng của anh chỉ là những mối khách quen được người thân giới thiệu. Lâu dần, tiếng lành đồn xa nên khách hàng tìm đến anh ngày một nhiều.

Người ta thích tính tỉ mỉ, cẩn trọng khi làm từng sản phẩm của anh. Tác phẩm nào của anh cũng đều đẹp và tinh tế. Hiện tại, khách từ Hà Nội, Hải Phòng,… đều tìm đến anh để đặt hàng.

Anh đã từng dạy nghề cho nhiều người. Có người sau khi được anh chỉ dạy đã về mở xưởng sản xuất, mang lại thu nhập để giúp đỡ gia đình. Nhiều người làm trong nghề nhận thấy anh vẽ đẹp nên đã đến nhờ anh giúp đỡ, anh đều nhiệt tình giúp mà không lấy tiền công.

Chỉ có thể giao tiếp với anh qua những dòng chữ trên trang giấy, anh bảo không nói được khổ lắm. Khách quen thì dễ trao đổi vì họ cũng phần nào hiểu được ngôn ngữ đặc biệt của anh. Còn nếu là khách mới thì phải trao đổi qua viết giấy rồi nhờ vợ anh “dịch” lại. Anh cũng không thể dạy dỗ con cái học hành được.

Hiện tại anh đã có ba con gái. Anh nói phải làm việc chăm chỉ để nuôi các con ăn học nên người và giúp vợ đỡ khổ, vì lấy anh đã là một sự thiệt thòi cho chị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn