MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghị quyết 120: Biến thách thức, đe dọa thành trạng thái “bình thường mới”

TRẦN LƯU - SỞ HẠ LDO | 13/03/2021 09:50

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường dẫn số liệu về gia tăng giá trị xuất khẩu và nhấn mạnh, công cuộc chuyển đổi nền nông nghiệp ở vùng ĐBSCL theo Nghị quyết 120 không chỉ đang đi đúng hướng mà còn cho thấy những hiệu quả thiết thực.

Phát biểu tại “Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu” diễn ra vào sáng nay, 13.3 tại Cần Thơ; Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian qua, bộ đã tập trung chỉ đạo các Viện nghiên cứu và chọn tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản có giá trị kinh tế, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL với tổng kinh phí khoảng 200 tỉ đồng.

Thu hoạch trái cây ở ĐBSCL. Ảnh: P.V.

Nền nông nghiệp vùng ĐBSCL với lúa gạo là chủ lực đã từng bước chuyển đổi mạnh mẽ, tiến tới nông nghiệp công nghệ cao, giá trị không ngừng gia tăng. Theo đó, tổng diện tích gieo trồng lúa vùng ĐBSCL là 4,19 triệu ha, chiếm 54,3% diện tích cả nước.

Hiện nay, diện tích sử dụng giống lúa xác nhận mới chiếm 65%; dự kiến đến năm 2020 tỉ lệ này tăng trên 75%; năm 2025 đạt 90% và năm 2030 đạt 100%.

“Nông nghiệp ĐBSCL đang chuyển đổi trong sự uyển chuyển thuận thiên, mùa nào thì nuôi trồng cây, con đó. Ngọt thì trồng lúa; đến mùa nước lợ mặn thì nuôi trồng thủy sản với sự đầu tư hợp lý vào hệ thống thủy lợi.

Nếu như năm 2016, giá trị xuất khẩu nông nghiệp vùng ĐBSCL là 7 tỉ USD thì năm 2020 đã tăng lên 8,8 tỉ USD. Điều đó đã chứng minh, sự chuyển đổi nền nông nghiệp vùng ĐBSCL không chỉ đang đi đúng hướng, mà còn mang lại những hiệu quả thiết thực”, ông Cường nói.

Nền nông nghiệp ĐBSCL đang có sự chuyển đổi đúng hướng và hiệu quả. Ảnh: P.V.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, hiện có hơn 60.000ha diện tích ở vùng ĐBSCL có thể chuyển đổi từ thâm canh lúa ba vụ thành nông nghiệp dựa vào lũ với việc cho phép đầu tư theo chuỗi giá trị, mang lại lợi nhuận gấp 4 lần cho người nông dân, phá vỡ chu kỳ dịch hại, giảm sử dụng thuốc trừ sâu. Đặc biệt là tạo điều kiện cho 96.000ha lúa mùa khô chuyển sang sản xuất sạch hơn.

Bà Carolyn Turk đánh giá, việc ban hành Nghị quyết 120 của Chính phủ vào tháng 11.2017 là một cột mốc mang tính đột phá, đánh dấu sự thay đổi từ cách tiếp cận mang tính phòng vệ thụ động đối với biến đổi khí hậu chuyển sang hướng tới mô hình “chủ động thích ứng với thiên nhiên”.

Nghị quyết đã chỉ ra rằng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, sự thay đổi cực đoan về thời tiết và xâm nhập mặn đã trở thành tình trạng “bình thường mới” của ĐBSCL. Nghị quyết cũng tạo cơ sở để chuyển đổi phát triển của khu vực - từ quan điểm phát triển cấp hộ canh tác quy mô nhỏ và cấp tỉnh sang quan điểm phát triển mang tính liên tỉnh, toàn đồng bằng và xuyên biên giới; từ quan điểm phát triển ngắn hạn theo từng ngành sang cách tiếp cận dài hạn, đa ngành và tích hợp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn