MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên của chủ đầu tư nhà ở xã hội Vũ Phúc chào bán với giá cao hơn hàng trăm triệu đồng/căn hộ so với quy định. Ảnh: Nhóm phóng viên

Nghi vấn trục lợi chính sách và trốn thuế tại dự án nhà ở xã hội Thái Bình có giá cao bất thường

Nhóm Phóng viên LDO | 05/03/2024 06:02

Từ phản ánh của Lao Động, các chuyên gia cho rằng tỉnh Thái Bình cần làm rõ nguyên nhân giá nhà ở xã hội Vũ Phúc cao bất thường, đặt ra nghi vấn có hay không việc trục lợi chính sách nhà ở xã hội và trốn thuế.

Tìm câu trả lời về mức giá chênh hàng trăm triệu đồng

Trong bài viết trước, Báo Lao Động đã phản ánh tình trạng giá nhà ở xã hội Vũ Phúc (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) đang bán cao hơn hàng trăm triệu đồng so với giá phê duyệt của Sở Xây dựng khiến người thu nhập thấp rất khó tiếp cận dự án.

Chúng tôi đã liên hệ Sở Xây dựng Thái Bình nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi. Trong khi đó, chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Thăng Long từ chối trả lời khi được đề nghị xác minh, làm rõ nguyên nhân.

Trong vai người có nhu cầu mua nhà ở xã hội, chúng tôi cũng đến Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình để được hướng dẫn làm các thủ tục đăng ký mua. Cán bộ của Sở này hướng dẫn liên hệ với phía chủ đầu tư.

“Đăng ký hồ sơ mua thì làm việc với chủ đầu tư, sau này thẩm định đối tượng, chủ đầu tư mới gửi về Sở để thẩm định. Giá cả thì theo quy định rồi, hơn 11 triệu đồng/m2. Chúng tôi cũng đã đăng tải công khai trên web của Sở Xây dựng”, cán bộ của Sở Xây dựng trả lời.

Nghi vấn trục lợi chính sách và trốn thuế

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, chủ đầu tư nhà ở xã hội được một số ưu đãi như không phải đóng tiền sử dụng đất, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác liên quan, được phép dành 20% diện tích xây dựng nhà ở xã hội để kinh doanh làm nhà ở thương mại…

Mức giá bán mà Sở Xây dựng thẩm định cho các dự án nhà ở xã hội đã được tính toán trên dữ liệu đầu vào cộng với lợi nhuận cho phép là 10%.

"Theo tôi, tỉnh Thái Bình cần làm rõ nguyên nhân vì sao giá nhà ở xã hội Vũ Phúc đến tay người dân lại cao hơn hàng trăm triệu đồng giá phê duyệt. Có hay không việc trục lợi chính sách ở đây", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh. Ảnh: Hải Nguyễn

Đồng quan điểm, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, với số tiền chênh hàng trăm triệu đồng/căn hộ không được đưa vào hợp đồng mua bán như phản ánh của Lao Động, có thể gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước.

"Tôi lấy ví dụ, giá một căn hộ người mua phải trả cho chủ đầu tư là hơn 800 triệu đồng nhưng thực tế, đưa vào hợp đồng mua bán chỉ là 600 triệu đồng thì ngân sách Nhà nước có thể bị thất thu thuế số tiền là 15% của hơn 200 triệu đồng nằm ngoài hợp đồng, sổ sách (gồm 5% thuế VAT với nhà ở xã hội và 10% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chủ đầu tư nhà ở xã hội), tương đương hơn 30 triệu đồng.

Dự án hàng trăm căn hộ thì số tiền nhà nước bị thất thu thuế là rất lớn", luật sư phân tích. Cũng theo luật sư Lực, hành vi trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên đã có thể bị xử lý hình sự.

Luật sư Quách Thành Lực. Ảnh: Trần Tuấn

Không thể để các chủ đầu tư tự quyết

Phát triển nhà ở xã hội luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV (tháng 6.2023), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, để thực hiện trong năm 2024.

Bộ Xây dựng cũng từng có nhiều công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, giám sát về quản lý, sử dụng nhà ở xã hội đặc biệt về giá bán thực tế và xét duyệt đối tượng.

Trong khi đó, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, đồng thời đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an phối hợp với các Cục Thuế các địa phương để điều tra xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu trốn thuế, chuyển nhượng bất động sản hai giá nhằm ngăn chặn và truy thu thuế cho ngân sách nhà nước.

GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Trần Tuấn

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - cho rằng chính quyền địa phương phải vào cuộc, quản lý chặt chẽ, thì sẽ đi vào quy củ. Nếu buông lỏng sẽ xảy ra tình trạng trục lợi từ chính sách nhà ở xã hội.

Đồng quan điểm GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Nhà nước có các chính sách ưu đãi chung đối với các chủ đầu tư nhà ở xã hội, bên cạnh đó, các địa phương cũng có thêm các ưu đãi khác. Vì vậy, việc mua bán nhà ở xã hội không thể để các chủ đầu tư tự quyết mà chính quyền địa phương phải giữ vai trò quyết định lớn nhất.

Xử lý nghiêm việc bán chênh giá nhà ở xã hội

Năm 2022, Báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh về tình trạng bán nhà ở xã hội cao hơn giá phê duyệt tại một số dự án trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. UBND tỉnh Bắc Ninh sau đó chỉ đạo kiểm tra và phát hiện hàng loạt vi phạm của các chủ đầu tư. Đặc biệt là có hiện tượng thu tiền thêm ngoài hợp đồng; kê khai thuế chưa chính xác, không xuất hóa đơn đầy đủ theo quy định của pháp luật về thuế.

Sở Xây dựng Bắc Ninh sau đó thu hồi 89 căn nhà ở xã hội bán cho không đúng đối tượng, không đúng quy trình. Đồng thời, xử phạt các chủ đầu tư tổng số tiền 340 triệu đồng, yêu cầu hoàn trả lại tiền thu chênh ngoài hợp đồng cho người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn