MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghĩa trang ngõ 68/123 đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) thậm chí còn không có tường rào bao quanh dù đã tồn tại từ rất lâu. Ảnh: Hữu Chánh.

"Nghĩa địa làng" giữa lòng Thủ đô, liệu có di dời được?

HỮU CHÁNH LDO | 10/08/2022 06:11

Hà Nội - Nhiều chuyên gia về quy hoạch đô thị cho biết, việc di dời mồ mả giữa khu đông dân cư là không đơn giản, đôi khi phải chấp nhận cho "nghĩa địa làng" tồn tại giữa lòng Thủ đô.

Chấp nhận tồn tại "nghĩa trang làng"?

Như bài "Người sống, người chết ở sát vách giữa Thủ đô" đã nói, theo tiêu chuẩn quốc gia về nghĩa trang đô thị được ban hành năm 2008, khoảng cách từ khu dân cư đến nghĩa trang tối thiểu là 100 m. Với nghĩa trang chôn tươi (an táng cả thi hài) thì khoảng cách phải từ 500 m đến 1,5 km.

Tuy vậy, khảo sát của PV Lao Động cho thấy, hiện trạng nhiều nghĩa trang tại Hà Nội không đáp ứng được tiêu chuẩn trên.

TP.Hà Nội đã ban hành bản quy hoạch nghĩa trang định hướng đến năm 2050, trong đó ưu tiên việc quy tập, di dời mồ mả đến các nghĩa trang chung, nhường đất phát triển đường sá, cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về quy hoạch đô thị, việc di dời khu mồ mả giữa khu đông dân cư là không đơn giản, đôi khi phải chấp nhận cho "nghĩa địa làng" tồn tại giữa lòng Thủ đô.

Những ngôi nhà mặt đất sát vách nghĩa trang làng Cót (phường Yên Hòa, Cầu Giấy). 

Theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, hiện trạng nghĩa trang nằm giữa khu đông dân cư có nguyên nhân từ quá trình đô thị hóa của Hà Nội.

Ông Chính nêu dẫn chứng, Hà Nội trước kia chỉ bao gồm 4 quận nội thành rồi cứ mở rộng dần. Khi phát triển rộng ra, các làng truyền thống trước kia sẽ nằm vào đất đô thị. Trong đó, mỗi làng xã, dòng họ phần lớn đều có nghĩa trang riêng.

"Hiện nay, có những nghĩa trang lớn được quy hoạch hàng lối, ngăn nắp, tuy nhiên còn rất nhiều nghĩa trang nhỏ lẻ không hàng lối, cũng không thống nhất về kích cỡ các ngôi mộ. Trong những nghĩa trang nhỏ này cũng có mộ tổ, mộ danh nhân, mộ vô chủ...", ông Chính nói.

Theo ông Chính, nếu chỉ nhìn ở góc độ phát triển hạ tầng đô thị thì giải pháp đơn giản nhất là cứ di dời hết mồ mả khỏi các khu dân cư và quy tập về nghĩa trang lớn theo quy hoạch. Nhưng thực tế không đơn giản.

Lý giải về việc này, ông Chính cho biết, các dự án làm đường, làm công trình công ích... khi gặp đất nghĩa trang thì có thể bàn bạc với người dân để giải tỏa.

Nhiều người dân làng Cót (phường Yên Hòa, Cầu Giấy) cho hay việc di dời nghĩa trang của làng đi nơi khác là rất phức tạp. 

Tuy nhiên, việc phát triển đô thị, xây chung cư, cao ốc do các chủ đầu tư tư nhân thực hiện thì việc giải tỏa nghĩa trang rất khó. Các nhà đầu tư bất động sản đều rất ngại khi thực hiện các dự án cần di dời mồ mả.

Do vậy, chuyên gia này cho rằng, có nhiều nghĩa trang tại Hà Nội dù nằm sát khu dân cư, vẫn phải tôn trọng và chấp nhận cho tồn tại.

Di dời phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động

Trao đổi với Lao Động, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, việc quy hoạch nghĩa trang ở Thủ đô là một vấn đề đã nghiên cứu từ lâu. Trước đó, Hà Nội đã ít nhất có 2 lần quy hoạch nghĩa trang. 

Theo ông Nghiêm, hiện nay các nghĩa trang đã được phân loại cụ thể như nghĩa trang hỏa táng, cát táng, hung táng,… mỗi một loại hình đều có quy định, quy chuẩn riêng về khoảng cách an toàn với khu dân cư.

Cuối năm, người dân đến tảo mộ, chất cỏ thành đống to, đốt khói cả mấy ngày liền gây ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

"Trong những năm gần đây, Hà Nội rất chú trọng việc thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường ở các khu vực nghĩa trang. Hiện nay, còn một số nghĩa trang chủ yếu là những nơi để cát táng chứ không còn hung táng. Đây là những ngôi mộ cũ từ ngày xưa để lại và không được phép chôn mới", ông Nghiêm nói.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, việc giữ gìn các nghĩa trang này cũng một phần mang ý nghĩa truyền thống. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải kiểm soát để đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng sống của người dân.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã cố gắng nghiên cứu thí điểm nghĩa trang loại mới tiên tiến trên thế giới như công viên nghĩa trang. Từ đó tạo không gian cho người đã khuất được trang trọng, thiêng liêng hơn.

"Do đã có quy hoạch và có cơ sở khoa học, nên các cơ quan quản lý cần phải giám sát thực hiện theo quy hoạch, sớm có phương án di dời các khu nghĩa trang trong khu đông dân cư đến khu vực phù hợp hơn", KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.

Cũng về vấn đề này, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho hay, mồ mả liên quan đến đời sống tâm linh của con người, thậm chí người dân còn quan niệm động đến mồ mả là động đến vận mệnh của một gia đình, của một dòng họ.

Nghĩa trang làng Cót, nằm phía sau trường Tiểu học Yên Hòa.  

"Người dân quan niệm 'sống vì mồ vì mả, không ai sống bằng cả bát cơm', do đó việc an táng, cát táng là rất hệ trọng, việc này có thể ảnh hưởng tới nhiều thế hệ, rất khó có thể sửa chữa sai lầm hoặc làm lại được", ông Đức nói.

Do vậy, nếu có phương án di dời mồ mả ra những khu vực tập trung, đơn vị quản lý phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động… thì người dân mới yên tâm khi di dời mồ mả người thân của họ.

Nếu chưa thể di dời được, theo ông Đức, cơ quan quản lý cần tìm cách cải tạo, xây dựng cảnh quan để phù hợp với không gian đô thị, để không gian giữa người sống và người chết có sự hài hòa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn