MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Được đầu tư hệ thống dẫn nước tiền tỉ nhưng người dân xã đảo Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam vẫn hứng nước mưa dự trữ để dùng. Ảnh: Hoàng Bin

Nghịch lý đầu tư, cấp nước sạch ở xã đảo Tam Hải, Quảng Nam

Hoàng Bin LDO | 09/08/2023 09:26

Để hỗ trợ dân, bù lỗ cho doanh nghiệp, Nhà nước đã đầu tư 11 tỉ đồng để làm đường ống dẫn nước ra xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam, nhưng công ty cấp nước lại áp dụng giá cao hơn ở đất liền, khiến hàng trăm hộ dân không dám sử dụng.

Có đường ống cấp nước rồi vẫn bị "đòi" thêm tiền bù lỗ

Xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành cách đất liền khoảng 1km, có khoảng gần 250 hộ dân sinh sống.

Do địa hình là ốc đảo, bao quanh là sông Trường Giang và biển nên nhiều năm nay, người dân địa phương phải đào hoặc khoan giếng để lấy nước ngọt sử dụng. Đến mùa nắng kéo dài, nguồn nước ngọt bị nhiễm mặn, phèn khiến người dân xoay sở chật vật.

Để có nước ăn uống, sinh hoạt, dân xã đảo thường hứng nước mưa cho vào bể, thùng dự trữ. Nước mưa dự trữ dùng được khoảng 10 ngày, sau đó muốn có nước nấu ăn, uống phải mua nước bình hoặc đi ghe thuyền sang xã lân cận xin về dùng.

Năm 2022, UBND huyện Núi Thành đầu tư 11 tỉ đồng xây dựng hệ thống đường ống nước sạch kéo từ đất liền đến xã đảo Tam Hải để phục vụ người dân. Đầu năm 2023, đường ống nước được đưa đến từng nhà dân nhưng không thể sử dụng vì Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam áp giá thành sử dụng quá cao, không hợp lý.

Thông thường, tại Quảng Nam nếu nhà nước đã đầu tư đường ống, thì doanh nghiệp cấp nước trực tiếp sẽ có giá 8.000/m3. Dân (ở đất liền) dùng bao nhiêu chi trả bấy nhiêu tính theo đồng hồ sử dụng.

Hiện tại, ở xã đảo Tam Hải, đường ống cấp nước sinh hoạt đã được Nhà nước đầu tư ra tận nơi, nhưng công ty cấp nước vẫn buộc xã nhận đầu mối cung cấp cho dân với giá 12.000 đồng/m3. Lý do được doanh nghiệp đưa ra là vì khách hàng ở đảo ít, chi phí vận hành lớn nên phải tăng giá để bù lỗ.

Nghịch lý là Nhà nước đầu tư hạ tầng, đường ống nhưng phải bù lỗ thêm chi phí vận hành thì người dân mới được sử dựng nước với giá như ở đất liền.

Trông chờ vào... Nhà nước

Theo ông Nguyễn Tấn Hùng - Chủ tịch UBND xã Tam Hải, Nhà nước bỏ tiền đầu tư đường ống rồi bàn giao lại cho Công ty CP Cấp thoát nước nước Quảng Nam quản lý, vận hành nhưng công ty không chịu nhận.

Thay vào đó, doanh nghiệp này yêu cầu xã đứng ra hợp đồng mua nước rồi phân phối về cho người dân. Điều này khiến mức giá sử dụng nước đội lên cao.

"Giá nước công ty cấp theo đồng hồ cho từng hộ dân là giá bậc 1 (gần 8.000 đồng/m3). Còn nếu xã đứng ra mua, lắp đồng hồ tổng rồi phân phối cho người dân thì áp dụng giá bậc 4 (12.000 đồng/m3). Và chi phí vận hành, hao hụt do người dân chi trả" - ông Hùng cho biết.

Hiện mới chỉ có thôn Long Thạnh Tây sử dụng nước do xã đứng ra ký hợp đồng cấp nước, do nhu cầu bức thiết, còn các thôn khác trên địa bàn xã thì chưa đóng nước vì người dân không chấp nhận mua với giá quá cao, lãnh đạo xã Tam Hải cho biết thêm.

Theo lãnh đạo địa phương, đời sống người dân xã đảo vốn khó khăn, nhiều năm không có nước sạch, nay lại phải mua nước giá quá cao của doanh nghiệp như vậy là bất hợp lý.

Tại buổi họp báo quý II/2023, ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết, các doanh nghiệp thực hiện theo nguyên tắc thị trường. Những "vùng lõm" về điện, nước thì doanh nghiệp không đầu tư do chi phí cao, doanh thu thấp, kinh doanh không hiệu quả. Nên Nhà nước phải bỏ tiền đầu tư đường ống dẫn nước cho dân, như trường hợp tại xã đảo Tam Hải.

"Về giá nước, chúng tôi sẽ chỉ đạo kiểm tra, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân" - ông Nguyễn Hồng Quang nói

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn