MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh ở xã Krong, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) nhận mì tôm hỗ trợ cho chế độ bán trú. Ảnh: T.T

Nghịch lý giáo dục ở Gia Lai

THANH TUẤN LDO | 03/11/2021 06:30
Hơn 100.000 em học sinh ở tỉnh Gia Lai thiếu thiết bị học qua mạng, các nhà trường thiếu gần 4.000 giáo viên đứng lớp, hơn 1.000 em học sinh vùng sâu vùng xa vừa bị ngắt chế độ bán trú, các em không còn được nhận gạo, suất ăn trưa theo quy định. Ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai bước vào năm học mới 2021-2022 đối mặt với quá nhiều khó khăn cũng như bất cập do cơ chế, chính sách...

Khó như… học qua mạng

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Gia Lai, hiện trên địa bàn có hơn 100.000 em học sinh thiếu thiết bị, phương tiện để học qua mạng. Việc này gây khó khăn lớn cho công tác dạy học trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Số học sinh không có thiết bị học tập chủ yếu rơi vào các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình ở vùng sâu vùng xa.

Tại Gia Lai, số học sinh hộ nghèo là người dân tộc thiểu số là 12.853 em. Hộ cận nghèo là 11.532 em, các trường hợp còn lại không có thiết bị là 76.218 em.

Ông Nguyễn Văn Long - Phó Giám đốc Sở GDĐT Gia Lai - cho biết, tỉnh có đến 46% là người dân tộc thiểu số. Khó khăn nhất hiện nay của việc học qua mạng là rất nhiều học sinh thiếu phương tiện, thiết bị, nhiều khu vực không có sóng di động.   

“Với số lượng lớn học sinh thiếu thiết bị học tập như hiện nay, không thể huy động các mạnh thường quân, các nguồn tài chính để hỗ trợ trong thời gian ngắn. Sở GDĐT Gia Lai đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em”, mà Thủ tướng Chính phủ đã phát động. Thời gian dự kiến bắt đầu thực hiện từ tháng 10 kéo dài đến năm 2023. Cơ quan chức năng sẽ thống kê, rà soát các địa bàn vùng lõm, vùng sâu để xin hỗ trợ sóng di động hoặc kết nối mua sim 3G, 4G cho thầy cô giáo và các em học sinh” - ông Long nói.  

Trên thực tế, một số địa phương đã có giải pháp linh động giúp các em học qua mạng. Ví dụ, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai cho ứng tiền để giáo viên, học sinh mua điện thoại thông minh. Chỉ cần 3 triệu đồng thì thầy cô và các em đã mua sắm được một chiếc điện thoại di động có kết nối mạng internet, sử dụng tốt cho việc học trực tuyến.

Ngoài ra, các em học sinh tập trung về một địa điểm tại nhà văn hóa, nhà rông của làng, xã để 2-3 em cùng khối lớp học chung một thiết bị. 

Sở GDĐT Gia Lai cho rằng, việc học qua mạng là những giải pháp trước mắt để giúp các em học sinh tiếp thu bài vở và không có ai bị bỏ lại phía sau. Ngành mong muốn các nhà hảo tâm, mạnh thường quân chung tay góp sức để giúp các em học sinh có đủ thiết bị học, nâng bước các em đến trường.

Thiếu 4.000 giáo viên, chất lượng giáo dục sẽ về đâu?

Theo thống kê, tỉnh Gia Lai thiếu gần 4.000 giáo viên đứng lớp, thầy giáo dạy Toán có thể dạy kèm thêm môn Tin học, giảng viên Cao đẳng sư phạm, giáo viên bậc THPT xuống dạy cho học sinh cấp I, cấp II.

Điều trái khoáy là việc thiếu giáo viên nghiêm trọng với số lượng lớn, gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, nhưng ngành Giáo dục lại không được phép xin thêm biên chế hoặc tuyển mới giáo viên hợp đồng. 

Việc thiếu giáo viên khiến phụ huynh lo ngại về chất lượng giáo dục bị tụt giảm.

Ông Phạm Ngọc Hai - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Đoa - chia sẻ: “Thiếu giáo viên là khó khăn chung của cả tỉnh, nhưng địa phương thiếu quá nhiều thứ với số lượng lớn. Thiếu giáo viên đứng lớp là nỗi xót xa của thầy cô vừa là nỗi lo, nỗi bức xúc của phụ huynh học sinh. Nhà trường chỉ biết động viên thầy cô giáo cố gắng đứng lớp, dạy tăng giờ tăng tiết, không để các em bị hỏng kiến thức, ảnh hưởng đến tương lai về sau”.

Thầy Phạm Văn Ninh - Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Phạm Hồng Thái, xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa - cho biết: “Nhà trường thiếu ít nhất 5-7 giáo viên, các thầy cô giáo phải phân công nhau đứng lớp giảng bài cho các em, không để lớp trống. Biết việc tăng tiết, tăng giờ dạy liên tục gây áp lực mệt mỏi cho thầy cô, mình cũng động viên anh em cố gắng vì tình yêu và tương lai với học trò”.

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh Gia Lai có 714 trường mầm non và phổ thông công lập với 11.683 lớp và 392.025 học sinh. Tổng số viên chức trong biên chế là 19.040 người. So với thực trạng trường lớp hiện có và định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Gia Lai đang thiếu khoảng 3.721 giáo viên. Cụ thể, bậc mầm non thiếu 1.637, tiểu học thiếu 986, THCS thiếu 726 và THPT thiếu 372 chỉ tiêu.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Duy Định - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Gia Lai - cho biết, Bộ Nội vụ chỉ cho phép hợp đồng lao động giáo viên còn thiếu trong phạm vi biên chế được cấp thẩm quyền giao chưa sử dụng. Mặc dù các trường có nhu cầu, địa phương tự cân đối được kinh phí nhưng không thể hợp đồng giáo viên còn thiếu ngoài chỉ tiêu được giao. 

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, các giảng viên Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai cũng được phân công, điều động về các vùng sâu vùng xa để dạy học cho các em học sinh cấp I, cấp II. Giáo viên bậc THPT soạn giáo án, bài tập để dạy học cho các em bậc Tiểu học và THCS. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời cho tình trạng thiếu nghiêm trọng giáo viên đứng lớp.

“Số học sinh năm sau tăng thêm nhiều so với năm trước, trong khi ngành Giáo dục không được bổ sung biên chế mà còn phải cắt giảm hằng năm theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17.4.2015 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Vì vậy, cả học sinh và giáo viên đều gặp nhiều khó khăn trong công tác dạy và học” - ông Lê Duy Định cho hay.

Số kinh phí để chi trả cho giáo viên hợp đồng, giáo viên dạy tăng giờ, tăng tiết rất lớn, dự kiến mỗi năm trên 500 tỉ đồng. Sở Tài chính Gia Lai không đủ nguồn kinh phí để phân bổ xuống cho các đơn vị, phòng đào tạo. Vì thế, bài toán thiếu giáo viên và thiếu nguồn kinh phí cho ngành Giáo dục là nan giải, cấp thiết cần sự hỗ trợ của bộ, ngành Trung ương.

Hơn 1.000 học sinh Gia Lai vừa bị ngắt chế độ học sinh bán trú, các em không còn được nhận gạo hỗ trợ, tiền sinh hoạt, cơm trưa tại nhà trường. Nhiều nhất là ở huyện Kbang, Kông Chro, Đức Cơ… Nghị định 116 của Chính phủ về việc hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số tại các địa bàn khó khăn đã góp phần tích cực trong việc duy trì sĩ số cũng như đảm bảo chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông ở vùng sâu. Tuy nhiên, bước vào năm học mới 2021-2022 này, nhiều xã ở Gia Lai sau khi được đưa ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành tiêu chí Nông thôn mới, thì rất nhiều học sinh không còn được thụ hưởng chính sách này, khiến các em nguy cơ bỏ học giữa chừng. Thực tế chỉ tiêu Nông thôn mới hoàn thành nhưng nhiều gia đình thu nhập vẫn không tăng, đời sống còn khốn khó giữa vùng núi rừng. Ngành chức năng khó khăn về công tác tài chính để hỗ trợ cho các em học sinh, một số thầy cô phải đi vận động, kêu gọi mạnh thường quân để hỗ trợ sách vở, bút mực, suất ăn trưa cho học sinh vùng khó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn