MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cao tốc TPHCM - Trung Lương đang xuống cấp. Ảnh: K.Q

Nghịch lý giao thông Đồng Bằng sông Cửu Long: Những “điểm nóng” quá tải

KỲ QUAN LDO | 26/08/2022 13:08

Nhiều dự án giao thông lớn trên vùng ĐBSCL trong tình trạng “mới làm xong đã phải lo mở rộng”. Mỗi dự án có đặc trưng riêng và có nguyên nhân khác nhau làm cho công trình sớm trở nên bất cập...

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Mới thông xe đã quá tải

Giải thích về việc dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa đưa vào sử dụng đã trở nên bất cập (không có làn dừng khẩn cấp), trong khi lưu lượng xe ngày càng tăng, dẫn đến việc phải kiến nghị mở rộng tuyến đường, người có trách nhiệm của Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (Doanh nghiệp Dự án) cho biết: Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau 13 năm thi công (2009 - 2022) đã hoàn thành vào ngày 30.4.2022. Giai đoạn đầu (2009 - 2019), do nhóm nhà đầu tư ban đầu của dự án gặp nhiều khó khăn, chỉ thực hiện được 10% khối lượng. Giai đoạn 2019 - 2022, dưới sự điều hành của Tập đoàn Đèo Cả, dự án hoàn thành 90% khối lượng còn lại đúng cam kết, đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, tuân thủ Hợp đồng BOT đã ký. 

Do việc thực hiện dự án kéo dài đến 13 năm, trong khi kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL lại phát triển nhanh, nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại tăng nhanh, nên khi hoàn thành đưa vào khai thác, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có những điểm đã trở nên bất cập, cần sớm triển khai giai đoạn 2 để đáp ứng như cầu giao thông tăng cao và đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Cao tốc TPHCM - Trung Lương: Chỉ "trụ" được 7-8 năm

Còn đối với tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, dự án (giai đoạn 1) có chiều dài 61,9km bao gồm gần 40km đường cao tốc và các tuyến đường nối, với 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, đi qua 3 địa phương TPHCM, Long An và Tiền Giang.

Theo UBND tỉnh Long An, khoảng 7 đến 8 năm đầu tiên đưa vào khai thác, dự án đã vận hành tốt, giao thông thuận lợi. Tuy nhiên sau khi dự án dừng thu phí (từ ngày 1.1.2019), các phương tiện chọn lưu thông trên tuyến cao tốc thay vì đi trên Quốc lộ 1 hay các tuyến khác, làm cho lưu lượng xe trên tuyến cao tốc tăng cao.

Theo số liệu thống kê, từ thời điểm tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương dừng thu phí đến nay, lưu lượng phương tiện tăng từ trung bình 38.500 xe ôtô/ngày đêm lên hơn 52.000 xe ôtô/ngày đêm, vào những thời điểm dịp lễ, Tết, cao điểm có thể tăng cao hơn. Đồng thời, hiện nay tuyến đường này cũng đang dần xuống cấp, tốc độ lưu thông hạn chế, chỉ khoảng 60-70km/h, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, không bảo đảm việc kết nối đồng bộ với hệ thống cao tốc trong khu vực.

Mặt khác, hiện nay, Chính phủ đang đẩy nhanh việc đầu tư các dự án cao tốc như Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, An Hữu - Cao Lãnh,… trong giai đoạn 2021 - 2025 khiến áp lực giao thông trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương ngày càng lớn.

Trước thực trạng đó, để bảo đảm an toàn giao thông và tăng khả năng liên kết vùng giữa TPHCM và các tỉnh ĐBSCL, nâng cao hiệu quả tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Long An đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đầu tư giai đoạn 2, tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương với quy mô hoàn chỉnh 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp.

Cầu Rạch Miễu: Quá tải vì... ít tiền

Dự án cầu Rạch Miễu lại là 1 câu chuyện khác. Theo ông Trương Vĩnh Trọng (cố Phó Thủ tướng Chính phủ, trước đó từng là Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre), trong đời ông may mắn được chứng kiến 2 sự kiện kinh tế - xã hội đặc biệt ý nghĩa đối với quê hương Bến Tre, đó đưa điện lưới quốc gia về xứ Dừa (năm 1989) và thông xe cầu Rạch Miễu giúp Bến Tre phá thế cù lao (năm 2009).

Ông Trọng cho biết, khi làm dự án cầu Rạch Miễu, cũng có ý kiến nên làm 4 làn xe, thay vì chỉ 2 làn như hiện hữu. Nhưng năng lực tài chính lúc đó chỉ cho phép như thế, muốn làm quy mô hơn thì phải chờ không biết đến bao giờ, mà nhân dân Bến Tre thì rất khát khao chờ đợi bắc cầu qua sông Tiền.

Ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - cho biết, từ khi có cầu Rạch Miễu, rồi cầu Cổ Chiên nối Bến Tre với Trà Vinh cũng được bắc, lượng người và xe trên tuyến Quốc lộ 60 qua cầu Rạch Miễu tăng rất nhanh, không chỉ người dân Bến Tre, mà các phương tiện từ Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng… cũng chọn đi trên tuyến này, làm cho cầu Rạch Miễu sớm bị quá tải, cần phải xây dựng cầu Rạch Miễu 2. Trong thời gian chờ cầu mới, tỉnh Bến Tre đang tổ chức phà tạm Rạch Miễu để chia lửa cho cầu Rạch Miễu hiện hữu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn