MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu Rạch Miễu đang quá tải nghiêm trọng. Ảnh: K.Q

Nghịch lý giao thông Đồng bằng sông Cửu Long: Tầm nhìn vẫn lạc hậu

KỲ QUAN LDO | 27/08/2022 06:39

Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản số 4848 gửi Bộ GTVT về việc báo cáo số liệu tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận và kiến nghị nghiên cứu, xem xét đầu tư mở rộng 2 tuyến cao tốc này để đáp ứng nhu cầu giao thông. 

Lạc hậu từ tầm nhìn?

Trước đó, UBND tỉnh Long An cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận đầu tư dự án cao tốc TPHCM - Trung Lương giai đoạn 2 qua địa bàn tỉnh Long An với quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn giao thông khi lưu lượng xe đoạn cao tốc TPHCM - Trung Lương ngày tăng cao, sự kết nối liên vùng ĐBSCL với TPHCM, nâng cao hiệu quả của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.

Việc đề nghị mở rộng 2 tuyến cao tốc từ TPHCM về miền Tây, trong đó 1 tuyến chỉ sau hơn 10 năm sử dụng, tuyến còn lại vừa mới đi vào vận hành chính thức, đã đặt ra vấn đề “tầm nhìn” về đầu tư giao thông cho vùng đất Chín Rồng vốn còn lạc hậu này.

Tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương đưa vào khai thác năm 2010, được đầu tư xây dựng tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế là 120km/h, gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Giai đoạn đầu, tuyến đường cơ bản đáp ứng về năng lực thông hành xe và điều kiện an toàn giao thông. Tuy nhiên đến nay lưu lượng xe trên tuyến tăng nhanh làm cho tình hình mất an toàn giao thông tăng cao, nhiều thời điểm ùn ứ, các phương tiện lưu thông hết vào làn dừng khẩn cấp… Tốc độ lưu thông trung bình hiện nay là 60-70 km/h.   

Đối với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, giai đoạn 1 thiết kế với vận tốc 80 km/h, gồm 4 làn xe và dải phân cách giữa; tuyến chưa bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục, mà chỉ bố trí điểm dừng khẩn cấp bố trí so le nhau. Dù mới đi vào vận hành (không thu phí từ 30.4.2022, có thu phí từ 9.8.2022), nhưng tuyến đường đã có hiện tượng bất cập.

Với sự phát triển kinh tế giữa các vùng miền Đông và Tây Nam Bộ, vận chuyển hàng hóa, nhu cầu di chuyển của người dân tăng cao do kết nối vùng thuận tiện hơn sẽ gây quá tải nghiêm trọng cho tuyến cao tốc hiện tại.

Trông chờ những dự án mới

Trong khi đó, sau chưa tới 10 năm đi vào vận hành, cầu Rạch Miễu (trên Quốc lộ 60 bắc qua sông Tiền nối Bến Tre với Tiền Giang, thông xe năm 2009) chỉ với 2 làn xe ôtô ngày càng quá tải nghiêm trọng, thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Tỉnh Bến Tre và ngành GTVT đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 vào năm 2020. Hiện dự án đang triển khai, dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2025.

Nằm trong số các dự án giao thông lớn ở vùng ĐBSCL “mới sử dụng đã phải mở rộng” còn có Dự án Quốc lộ N2 qua Long An và Đồng Tháp (đường Hồ Chí Minh qua vùng Đồng Tháp Mười) đã được đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng năm 2008 và năm 2013 với quy mô đường cấp 4, mặt bằng 7m/9m, tổng chiều dài khoảng 81km.

Tuyến đường này đã sớm quá tải do lưu lượng xe lớn có nguy cơ gây mất an toàn giao thông và thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe vào các ngày cuối tuần, lễ trong năm. Từ năm 2018 tỉnh Long An và tỉnh Đồng Tháp đã kiến nghị sớm mở rộng tuyến đường này.

Nói về “tầm nhìn” khi thực hiện các dự án giao thông lớn ở vùng ĐBSCL, có lẽ 2 dự án cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ đáng để học hỏi. Sau hơn 20 năm thông xe, hiện cầu Mỹ Thuận với 4 làn ôtô vẫn đáp ứng tốt nhu cầu giao thông trên Quốc lộ 1 qua sông Tiền về miền Tây.

Thấy trước lưu lượng xe sẽ tăng cao, nhiều năm trước, ngành GTVT và các địa phương đã triển khai dự án cầu Mỹ Thuận 2, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023. Còn với dự án cầu Cần Thơ, sau 12 năm đi vào hoạt động, cầu vẫn thông thoáng và có lẽ hàng chục năm sau vẫn đáp ứng tốt nhu cầu đi lại trên Quốc lộ 1 qua sông Hậu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn