MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chung cư mọc lên dày đặc khiến hạ tầng quá tải. Ảnh: P.Đ

Nghịch lý giao thông Hà Nội: Mở cầu đường không theo kịp dự án chung cư

Phạm Đông - Yến Nhi LDO | 18/05/2022 06:56

Thành phố Hà Nội đang phải mở rộng nhiều tuyến đường để giải cứu các điểm nóng giao thông. Nhưng đường vừa mở rộng thì lại mọc lên chung cư cao tầng bám sát mặt đường khiến tắc đường còn trầm trọng hơn. Nghịch lý này đang khiến bài toán giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông của thành phố quanh quẩn.

Mở rộng đường, xây cầu vượt không theo kịp dự án chung cư

Cấp phép dự án tràn lan, liên tục điều chỉnh dẫn tới phá nát quy hoạch là thực trạng phát triển đô thị nhiều năm qua tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội. Hệ lụy là những tuyến đường vừa mở mới đã mãn tải, ùn tắc nghiêm trọng do bị “nén” hàng chục tòa cao ốc, khu đô thị dọc tuyến.

Mới đây, TPHCM đã chấp thuận đề xuất của Sở GTVT phải đánh giá tác động giao thông đối với các công trình xây dựng trước khi cấp phép xây dựng. Đây được coi là giải pháp để hạn chế tình trạng “nhà xây đằng nhà, đường kẹt đằng đường” tại đô thị lớn, không có cơ quan nào tổng chỉ huy trong khi mật độ giao thông ngày càng dày đặc.

Trong khi đó, ùn tắc giao thông từ lâu là chủ đề không còn quá xa lạ đối với người dân Hà Nội. Do vậy, thành phố liên tiếp đặt ra lĩnh vực giao thông là vấn đề quan trọng của Thủ đô. Cùng với đó, thời gian qua thành phố đã đầu tư kinh phí, đưa vào nhiều công trình để "giải cứu" giao thông. Tuy nhiên, hiệu quả của những công trình này lại chưa cao.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: Khu vực đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Trung Hòa - Nhân Chính xây quá nhiều nhà cao tầng nên mới xảy ra ùn tắc như hiện nay. Nếu có quy định khi triển khai các dự án cao ốc tại các đô thị phải có đánh giá tác động về giao thông thì chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng ùn tắc giao thông.

Tuyến đường Lê Văn Lương.

Theo ông Thủy, chung cư mọc lên ở đâu, tắc đường ở đó, những con đường huyết mạch đang ngày càng ùn tắc nghiêm trọng. Những dự án chung cư, cao ốc đã được bàn giao tạo nên mật độ dân cư lớn khiến vấn nạn tắc nghẽn giao thông chưa có lời giải. 

Ông Thủy lấy ví dụ trên tuyến đường Nguyễn Trãi, đặc biệt là ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến. Tại đây ngoài các trục đường chính còn có hầm chui, đường sắt trên cao để có thêm nhiều phần đường, làn đường cho người dân, giảm thiểu ùn tắc. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ khi xây dựng hạ tầng giao thông để giải cứu một nút thắt nhưng lại mọc lên các tòa nhà cao tầng thì những giải pháp đó lại thành quẩn quanh, lãng phí tiền của.

Các tòa chung cư, cao ốc trên phố Hoàng Đạo Thúy.

Ông Thủy cho biết, trong khi nhiều quốc gia đã thực hiện việc đánh giá tác động giao thông đối với các công trình xây dựng từ lâu thì ở nước ta việc này chưa có. 

Mặc dù cao ốc, tòa nhà chung cư mọc lên đã phần nào giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân. Tuy nhiên, mật độ dân số đổ về những khu chung cư tăng cao, lượng người sinh sống ở những khu căn hộ cao cấp tăng cao dẫn đến việc tắc đường ngày càng nghiêm trọng. Nhiều dự án chung cư đã đang và sẽ được tiếp tục xây dựng. Như vậy vấn đề tắc đường sẽ vẫn còn là bài toán nan giải.

Chung cư bám mặt đường

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, một đoạn đường ngắn mà có đến hàng chục chung cư cao tầng mọc lên thì việc đông dân là tất yếu. Khi dân cư đông, nhu cầu sử dụng phương tiện tăng là bình thường, lỗi này không chỉ do quy hoạch giao thông mà còn do quy hoạch sai.

Theo ông Liên, việc xây dựng nhiều chung cư khu vực gần nội thành gây áp lực lên hệ thống giao thông, môi trường, giáo dục, an sinh xã hội.

Không những vậy, các chung cư, cao ốc hiện nay đều có xu hướng bám mặt đường để gia tăng giá trị. Điều này đã tạo ra những nút thắt khi phương tiện đổ ra cùng một lúc, tạo thành những điểm nghẽn về giao thông. Hà Nội chỉ giải quyết được nhu cầu về chỗ ở cho người dân khiến các tuyến đường ngày càng hẹp, khu dân cư ngày càng chật chội. Do vậy, những khu nào mới lại chính là nơi ùn tắc nhiều nhất.

Ông Liên cho rằng, mặc dù quy hoạch tổng thể đã có nhưng việc thực hiện nay không giống như vậy. Chính điều này đã bóp méo quy hoạch Thủ đô, gây quá tải hạ tầng giao thông như hiện nay.

Nói về quy định mới của TPHCM về việc xây cao ốc phải đánh giá tác động giao thông, ông Liên cho rằng dù muộn cũng còn hơn không. Hà Nội cũng nên có quy định tương tự để không còn tình trạng đường chật như nêm mà nhà cao tầng ở hai bên vẫn mọc lên như nấm.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, những thực tế hiện nay tại đường Nguyễn Tuân, Lê Văn Lương… là do việc cấp phép xây dựng từ giai đoạn trước. Việc cấp phép của Hà Nội thường dựa trên quy hoạch. Tuy nhiên chính quy hoạch lại tồn tại một số vấn đề.

Cụ thể, vào một số giai đoạn trước, việc phê duyệt và tính toán các chỉ tiêu quy hoạch đã không theo kịp sự phát triển của đô thị. Ông lấy ví dụ các dự án ở đường Lê Văn Lương muốn được phê duyệt phải tuân thủ quy hoạch trước đây. Tuy nhiên, quy hoạch lại không tính toán sự phát triển của dân cư.

Ông Đính cũng lấy ví dụ khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính trước kia được coi là kiểu mẫu của Hà Nội về sự văn minh, hiện đại. Tuy nhiên khi quy hoạch khu đô thị này, các nhà làm quy hoạch không hình dung sự phát triển đô thị lại mạnh mẽ như bây giờ.

“Khi đó người ta vẫn nghĩ người dân chỉ dùng xe đạp và xe máy là chủ yếu. Tuy nhiên, giờ ôtô lại gia tăng khiến thiếu trầm trọng chỗ đỗ xe. Hay đang thiếu chỗ vui chơi giải trí cho trẻ em. Điều đó phản ánh sự tính toán bị mất cân đối”, ông Đính phân tích.

Nhiều chung cư, cao ốc tại Hà Nội được xây dựng “bám” mặt đường.

Ông Đính cho rằng chính từ những sự tính toán sai ngay từ khi làm quy hoạch dẫn đến hệ quả hiện tại. Đó là ùn tắc giao thông, thiếu hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, Internet, thiếu các khu vui chơi giải trí cho trẻ em, bệnh viện, trường học…

Một nguyên nhân khác dẫn đến xây dựng tràn lan chung cư làm “ngộp thở” thành phố được ông Đính chỉ ra chính là sự điều chỉnh quy hoạch. Ông cho biết quy hoạch ban đầu có thể được tính toán tốt, nhưng sau đó lại có những sự điều chỉnh ở giai đoạn về sau.

“Có thể Hà Nội đã quá ưu ái các chủ đầu tư. Thành phố có thể cũng mong muốn tạo ra lợi ích tốt nhất cho các chủ đầu tư nên họ thường điều chỉnh tăng mật độ, nâng số tầng… Cái này cần xem xét kỹ lại việc điều chỉnh trước kia”, ông Đính nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn