MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bên cạnh dòng nước màu trắng đã qua xử lý tại nhà máy Phong Khê là dòng nước thải màu đen do cơ sở sản xuất giấy xả thẳng ra môi trường (chụp ngày 19.10.2023). Ảnh: Vĩnh Hoàng

Nghịch lý nhà máy xử lý nước thải 220 tỉ đồng không có đủ nước thải để xử lý

Trần Tuấn - Vĩnh Hoàng LDO | 22/10/2023 17:39

Bắc Ninh - Trong khi nhà máy xử lý nước thải làng nghề Phong Khê mới chỉ chạy chưa được 50% công suất do thiếu "đầu vào" thì vẫn xảy ra tình trạng các hộ sản xuất làng nghề xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm.

Tìm cách tháo gỡ vướng mắc

Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Phong Khê (Thành phố Bắc Ninh) do UBND Thành phố Bắc Ninh làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ năm 2013, được đưa vào vận hành từ đầu năm 2017, tổng mức đầu tư là gần 220 tỉ đồng.

Nhà máy hiện do Ban Quản lý dự án xây dựng Thành phố Bắc Ninh trực tiếp quản lý.

Nhà máy hiện đang thu gom nước thải từ hơn 250 cơ sở sản xuất giấy tại Cụm Công nghiệp Phong Khê 1 và Phong Khê 2.

Toàn cảnh nhà máy xử lý nước thải làng nghề Phong Khê. Ảnh: Trần Tuấn.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Trung Thành - Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng Thành phố Bắc Ninh - cho biết, ngay từ giai đoạn đầu khi nhà máy vận hành đã gặp một số trục trặc.

Theo đó, theo thiết kế ban đầu, nhà máy tiếp nhận nước thải từ các nhà máy đổ ra những các kênh, mương trong khu vực để đưa vào xử lý.

Tuy vậy, nước thải làng nghề có độ màu rất lớn, pha tạp nhiều loại bùn cặn, lớn hơn 20 lần so với thiết kế khiến thời gian đầu vận hành, nhà máy gặp nhiều khó khăn.

Nước thải đầu vào được chứa trong 1 bể ngầm hơn 800m3. Sau đó trải qua quá trình xử lý hoá lý, tách bùn cặn rồi đưa vào xử lý vi sinh. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Từ thực tế trên, nhà máy đã yêu cầu các cơ sở phải đấu nối chia theo cụm, theo tổ và tích trữ, xử lý nước thải thô trước khi dẫn đường ống trực tiếp vào nhà máy. Qua đó, giải quyết được vấn đề trên.

Việc đấu nối theo cụm, tổ như trên và lắp đồng hồ cũng giúp nhà máy kiểm soát được số lượng nước thải, thời gian xả thải của từng hộ sản xuất để thu phí xử lý nước thải hằng tháng.

Vẫn còn tình trạng xả thải trộm ra môi trường

Tuy nhiên vấn đề lớn nhất mà nhà máy đang gặp phải là không có đủ lượng nước thải để xử lý. Ông Nguyễn Trung Thành cho biết thêm, công suất nhà máy được thiết kế là 5.000 m3/ngày đêm. Tuy vậy, lượng nước thải từ các cơ sở đổ về nhà máy mỗi ngày chỉ vào khoảng 2.000 m3/ngày đêm, chưa đạt 50% công suất.

Trong khi nhà máy thiếu nước thải để xử lý thì theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động trong các ngày 19-20.10, tại làng nghề Phong Khê vẫn xảy ra tình trạng các cơ sở sản xuất giấy xả nước thải ra môi trường mà không đưa về nhà máy xử lý nước thải Phong Khê.

Việc này giúp doanh nghiệp giảm chi phí xử lý nước thải nhưng gây hậu quả về môi trường.

Nước thải từ quá trình sản xuất giấy chảy thẳng ra hệ thống cống rãnh và dẫn thẳng ra sông Ngũ Huyện Khê, ngày 19.10.2023. Ảnh: Vĩnh Hoàng.

Thực tế trong 6 tháng đầu năm 2023, phường Phong Khê đã phát hiện, xử lý 7 vụ xả nước thải trộm; 4 vụ xả khí thải chưa đạt chuẩn; 2 vụ xả chất thải vào khu lưu chứa không đúng quy định; thu, nộp Kho bạc Nhà nước hơn 1 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn