MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kênh dẫn nước không vào được ruộng vì không thể qua phần đất có rừng tự nhiên. Ảnh: T.T

Nghịch lý ở đại thuỷ nông Ia Mơr, Gia Lai: Thiết kế vùng tưới nằm trên 4.700ha đất rừng

THANH TUẤN LDO | 20/06/2022 10:35
Khi xây dựng công trình thủy lợi Ia Mơr, Bộ NNPTNT dự kiến con đập sẽ phát huy hiệu quả trong việc tưới tiêu cho khoảng 12.500ha đất sản xuất nông nghiệp. Ngoài diện tích đất lúa hiện hữu, dự án tính toán sẽ chuyển đổi những vùng đất đang có rừng thành… ruộng lúa, để làm vùng tưới của hồ, di dân tới các khu vực này để ổn định đời sống cho khoảng 1.000 người. Tuy nhiên, tính toán thiết kế trên giấy tờ là vậy, còn thực tế thì khác hẳn.

Không nên phá 4.700ha rừng tự nhiên

Dự kiến vùng tưới để phát huy tối đa công năng của đại thủy nông Ia Mơr là 12.500ha. Tuy nhiên qua thống kê, rà soát, trong số diện tích này có đến 4.700ha đất đang có rừng tự nhiên, cần làm thủ tục chuyển đổi mục đích sang đất nông nghiệp.

Từ khi có thông tin toàn bộ 12.500ha đất rừng của Ia Mơr sẽ được chuyển đổi qua đất nông nghiệp để trồng lúa, mì, nông nghiệp công nghệ cao và hưởng lợi từ nguồn nước lòng hồ, công tác giữ rừng càng khó khăn hơn bao giờ hết. Người dân địa phương lấn đất, chiếm đất, xâm hại rừng liên tục xảy ra. Phá rừng chủ yếu để trồng lúa, trồng mì (sắn) và trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò….

Từ năm 2021 đến nay, có ít nhất 5 vụ chống đối người thi hành công vụ do xảy ra tranh chấp đất rừng, ngăn chặn lâm tặc đối với nhân viên bảo vệ rừng của xã.

Để đảm bảo quy hoạch vùng tưới cho hồ thủy lợi Ia Mơr, Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai đã đưa 4.700ha đất có rừng ra ngoài quy hoạch đất Lâm nghiệp, tạo cơ sở cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ngành chức năng tỉnh Gia Lai rà soát, kiểm kê cho thấy, hệ sinh thái rừng với 4.700ha có nhiều loại cây gỗ vùng nhiệt đới như dầu, cà chít, cẩm liên, bằng lăng... vốn là môi trường sống trước đây của các loài như voi, bò tót, gà lôi…

Thực tế, nhiều khu vực rừng biên giới Ia Mơr hiện đang tái sinh tốt sau mùa mưa, cây cối sinh trưởng, phát triển nhanh. Nhiều diện tích rừng phục hồi, màu xanh đã trải dài dọc theo các cung đường đất đỏ. Theo UBND xã Ia Mơr, mỗi năm có nhiều diện tích đất rừng bị xâm hại, gây biến đổi khí hậu, thời tiết. Nếu giữ được rừng, để rừng phục hồi tái sinh thì càng tốt, tránh được thảm họa thiên tai, mưa lũ khắc nghiệt, dù điều đó cũng đồng nghĩa với áp lực, trách nhiệm giữ rừng càng đè nặng lên vai chính quyền địa phương.

Chịu mất rừng để làm nông nghiệp thì công trình thủy lợi 3.000 tỉ đồng may mắn có vùng tưới như dự kiến, mục tiêu của dự án. Còn nếu giữ rừng thì chắc hẳn số tiền ngân sách nhà nước có nguy cơ tốn kém, lãng phí không cần thiết vì thủy lợi… thiếu vùng tưới và không biết tưới nước vào đâu.   

Chi phí thiết kế vùng tưới dự án: Bất khả thi

Hiện Bộ NNPTNT đang lấy ý kiến tổng hợp để trình lên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc chuyển đổi 4.700ha đất có rừng sang đất sản xuất nông nghiệp, nhằm có vùng tưới nước cho hồ thủy lợi Ia Mơr. Trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2020-2025 chưa có vốn bố trí cho việc thiết kế vùng tưới bao gồm: Xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, kênh dẫn, khai hoang đồng ruộng, nơi cư trú cho khoảng 1.000 người dân…

Ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai - cho biết: “Việc rừng tái sinh phát triển, giữ độ che phủ của rừng, ngành nông nghiệp tỉnh vẫn sẽ ủng hộ, bảo vệ. Còn việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất nông nghiệp lại thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội”.

Nếu đồng ý chuyển đổi thì cần thêm nguồn ngân sách rất lớn để thực hiện trồng lại rừng thay thế. Tính trung bình một hécta rừng tự nhiên chuyển đổi cần khoảng 192 triệu đồng để làm kinh phí trồng rừng thay thế, với 4.700ha rừng thì nhân ra con số cụ thể đã gần 1.000 tỉ đồng. Đó là chưa kể đến chi phí để thiết kế dự án vùng tưới, hỗ trợ di dân tái định cư, kênh mương nội đồng, khai hoang đồng ruộng, cơ sở vật chất…

Thậm chí cho các doanh nghiệp muốn vào thuê đất 50 năm để làm dự án nông nghiệp công nghệ cao cũng khó, vì chi phí, nguồn vốn, giá thuê cao, nhà đầu tư sẽ lỗ. Như vậy, chuyển đổi mục đích đất rừng đã khó khăn bao nhiêu thì công cuộc tính toán thiết kế dự án vùng tưới lại càng bất khả thi bấy nhiêu, vì số tiền cần đầu tư quá lớn. Các điểm di dân tới vùng tưới phải có hệ thống đường sá, điện, trường học, trạm y tế… mỗi người dân nhận trung bình 2ha đất để khai hoang làm ruộng. Nếu bắt tay vào làm thì cần thêm kinh phí hàng nghìn tỉ đồng nữa và lộ trình 10-15 năm sau mới đi vào ổn định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn