MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghịch lý thu phí "quần dài", miễn phí "quần đùi" ở công viên Thống Nhất

HỮU CHÁNH - TRẦN TUẤN LDO | 28/04/2022 06:37

Hà Nội - Hầu hết người đi tập thể dục, mặc quần áo thể thao không phải trả tiền vào công viên Thống Nhất. Trong khi những người ăn mặc chỉn chu đều phải trả tiền vào cửa. Nghịch lý này cho thấy, đã đến lúc các công viên ở Hà Nội nên "mở hết" để người dân dễ dàng tiếp cận, hưởng thụ không gian công cộng, thay vì quây tường bao và thu tiền vé như hàng chục năm nay.

Đi giày, mặc đồ thể thao mới được vào cửa miễn phí

Hơn 5 năm sinh sống và làm việc ở Hà Nội, hầu như chiều nào anh Nguyễn Duy Thắng (26 tuổi, quê Nghệ An) cũng có thói quen đến công viên Thống Nhất từ nhà trọ trong trang phục thể thao để tập thể dục. Trong những lần đó, anh chưa lần nào bị đề nghị mua vé.

Tuy nhiên, trong một ngày đi làm về muộn, anh Thắng tranh thủ ghé qua công viên tập thể dục luôn vì không kịp về nhà thay quần áo. Khi đến cổng, anh bị nhân viên yêu cầu mua vé. Sau đó, dù đã có gắng thuyết phục nhân viên bán vé rằng bản thân đến để tập thể dục, nhưng anh không được miễn vé chỉ vì trang phục mặc trên người.

“Tôi thấy điều này là bất hợp lý, chẳng lẽ có sự phân biệt đối xử trong trang phục của mỗi người, bởi công viên phải là một không gian mở, không gian chung cho tất cả mọi người sử dụng”, anh Thắng phân trần.

Người vào Công viên Thống Nhất ngoài mục đích tập thể dục đều được yêu cầu mua vé. Ảnh: PV.

Không riêng anh Thắng, nhiều người gặp tình huống trớ trêu khi mua vé vào cổng công viên Thống Nhất. Theo ghi nhận, hầu hết những người đi tập thể dục, mặc quần áo thể thao khi đi vào cổng mà không cần dừng lại trả tiền, còn những chàng trai – cô gái, những đôi vợ chồng đưa con nhỏ vào cửa lại phải trả tiền vé.

Một số người thắc mắc tại sao lại bị yêu cầu mua vé mới được vào công viên thì được nhân viên bán vé và bảo vệ lý giải: "Trên mạng người ta mới chỉ gọi là thí điểm, người ta nói thế thôi chứ còn lâu mới vào cửa miễn phí. Những trường hợp không phải mua vé là những người đến đây thường xuyên, người ta quen mặt rồi thì có thể thông cảm hoặc người già mới được miễn phí".

Chia sẻ với PV, nhiều người tỏ ra bất bình bởi khi họ vào đây đều sử dụng chung một lối đi, ngắm chung một cảnh quan và thực hiện những hoạt động đi bộ, vui chơi giải trí, thư giãn,... nhưng lại bị thu vé một cách khó hiểu. 

Ông Lê Đại Đồng (Phương Mai, Đống Đa) thường xuyên đi bộ ở công viên Thống Nhất cho biết, ông cũng không đồng tình về việc thu phí vào cổng ở công viên này.

“Tôi vào công viên này không mất vé, bởi tôi là người dân gần đây nên nhân viên soát vé đã nhìn quen mặt. Ngoài ra, tôi còn dẫn trẻ con nữa nên không bao giờ bị mua vé. Tuy nhiên, nhiều lúc mặc quần áo sạch sẽ, thanh lịch thì vẫn bị yêu cầu mua vé, nếu mình không mua vé thì sẽ bị người ta (nhân viên soát vé - PV) nói cho té tát, nên thôi cứ mua cho xong việc”, ông Đồng nói.

Nhiều hạng mục xuống cấp

Sau hơn 60 năm đi vào hoạt động, cùng với thời gian, hiện nhiều hạng mục trong công viên Thống Nhất như lối đi, vỉa hè, công trình đã rơi vào tình trạng xuống cấp, gây mất mĩ quan cũng như an toàn cho người dân trong quá trình vui chơi, tập thể dục tại đây.

Cụ thể, tại nhiều khu vực vỉa hè quanh Hồ Bảy Mẫu phần gạch lát vỉa hè nhiều đoạn đã bị bong tróc, sụt lún… tạo thành những ổ trâu, ổ gà cỡ lớn chiếm chọn lối đi gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, đặc biệt là ban đêm. Tiếp đó, tại nhiều tuyến đường nhựa trong công viên, tình trạng lún nứt cũng diễn ra khá phổ biến…

Sau hơn 60 năm đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục ở đây hư hỏng nặng, không được tu sửa, gây mất an toàn và lãng phí.

“Công viên thì rộng, những các hoạt động bổ trợ, vui chơi hạn hẹp… hạ tầng xuống cấp, nhếch nhác khiến nhiều người không còn mặn mà với niềm tự hào một thời của người dân Thủ đô” - Ông Trần Văn Thành (60 tuổi, phường Nguyễn Du, Hai Bà Trưng) chia sẻ.

Ông Thành cho hay, giá vé vào cổng công viên chỉ 4.000 đồng là khá rẻ. Tuy nhiên, nếu đã phải trả mức phí vào cổng thì công viên nên cải tạo nhiều hạng mục, đa dạng hoạt động vui chơi giải trí và cảnh quan không gian mới mẻ hơn.

Ngoài ra, nhiều tuyến vỉa hè và khu vực bên ngoài nối các cổng trở thành những bãi đỗ xe lớn nhỏ. Như vậy, người dân muốn đi bộ từ cổng này sang cổng khác hay vào công viên từ một số cửa phải chọn cách đi dưới lòng đường hoặc sang vỉa hè đối diện.

Các thiết chế văn hoá, thể thao còn thiếu, chưa đồng bộ

Sáng 25.4, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức phiên giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, các thiết chế văn hóa của thành phố hiện vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, xuống cấp cần được đầu tư, cải tạo. Chưa có nhiều các công trình văn hóa, thể thao, khu vui chơi đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của nhân dân.

Một số hình ảnh ghi nhận tình trạng xuống cấp ở Công viên Thống Nhất:

Vỉa hè bong tróc, gây khó khăn cho người đi bộ. Ảnh: PV. 
Một kiot được dựng lên bày bán hàng nước, rác bị vứt xuống vỉa hè gây mất cảnh quan công viên. Ảnh: PV. 
Sau hơn 60 năm đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục ở đây hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn.
Khu vui chơi chung cho trẻ dù không mất phí nhưng ít trò chơi và thiếu hấp dẫn.
Một số con đường hư hại đến biến dạng. Đường lát gạch bị bung lên, gạch vỡ nằm rải rác trong khi nhiều đoạn đường nhựa lồi lõm, nứt toác.
Bên ngoài công viên, đặc biệt trên mặt đường Đại Cồ Việt, hàng rào xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đoạn han gỉ, mất trụ chống.
Sân chơi thể thao cho người lớn sơ sài, chủ yếu các khoảng sân trống được tận dụng.
Những bãi xe kiểu mẫu chiếm phần lớn diện tích vỉa hè, khiến người đi bộ khó khăn khi tiếp cận cổng vào.
Mời Quý vị cùng lắng nghe chương trình Giờ thứ 9 của Báo Lao Động

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn