Có nhà máy nước nhưng không thể khai thác
Ghi nhận trên địa bàn xã An Thạnh II, huyện Cù Lao Dung, mặt dù có nhà máy nước tập trung nhưng nhiều tháng nay, khoảng 1.000 hộ dân nơi đây phải sử dụng nguồn nước máy được đấu nối từ 2 máy nước ở các địa phương lân cận.
Một hộ dân ở xã An Thạnh II cho biết, nguồn nước trước đây cơ bản đáp ứng đủ nhưng từ khi nhà máy tạm ngưng hoạt động thì nhiều lúc thiếu nước trầm trọng, nhất là vào những ngày nắng nóng. Do đó, bà con phải hứng nước mưa hay mua nước đóng thùng để dùng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhà máy nước tập trung ở xã An Thạnh II đã hết giấy phép khai thác nên tạm ngưng hoạt động, hiện ngành chức năng xin giai hạn nhưng còn vướng về thủ tục.
Việc thiếu nước sạch cũng diễn ra tương tự tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Bà Đặng Thị Liền ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình (huyện Trần Đề) cho biết, mùa khô vừa qua, cúp nước có khi 1-2 tuần mới có nước lại. Bà con phải đi xin, mua nước từ khắp nơi. Còn bây giờ, dù ngay mùa mưa, ít ai xài nước máy nhưng nguồn nước vẫn không đảm bảo, mỗi lần cúp nước thì 3,4 ngày sau mới có.
Bà Liền cho hay, bà đã mua 2 thùng phi loại 1.000 lít hứng nước mưa để dành xài trong gia đình vào những ngày thiếu nước.
Chị Nguyễn Thị Nhanh ở xã Đại Hải, huyện Kế Sách cho biết, chất lượng nước kém, vẫn có cặn, phèn phải xả bỏ một lúc nước mới trong lại.
“Có hôm nước không đảm bảo vệ sinh, tôi phải lấy vải bọc vòi nước để lọc lại mới sử dụng được. Sau đó, để cho cặn lắng xuống đáy thùng rồi mới xài. Các vật dụng chứa nước lâu ngày bị đóng phèn vàng hết. Nước máy tôi chỉ để dùng tắm giặt còn nấu nướng, ăn uống thì mua nước đóng thùng”, chị Nhanh nói.
39 trạm cấp nước thiếu hụt lưu lượng
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Sóc Trăng, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) đang quản lý, vận hành 141 công trình cấp nước tập trung nông thôn. Tổng lưu lượng được cấp phép là 114.708 m3/ngày đêm, phục vụ cho hơn 144.000 hộ dân nông thôn trên địa bàn các huyện, thị xã.
Ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, công tác cấp nước hiện còn nhiều khó khăn do nhu cầu mở mạng cung cấp nước sạch nông thôn hiện nay trên địa bàn tỉnh khá lớn; tình hình nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài thời gian qua làm nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt lưu lượng khai thác tại một số trạm cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Ông Nhã thông tin, qua rà soát, có 39 trạm cấp nước thiếu hụt lưu lượng khai thác. Trung tâm NS-VSMTNT đã hoàn thiện thủ tục xin phép tăng lưu lượng khai thác. Tuy nhiên, cần thực hiện nhiều khâu, nhiều bước, mất nhiều thời gian nên công tác phục vụ cấp nước thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu. Về vấn đề này, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh giao Sở TNMT xem xét hỗ trợ thêm trong các thủ tục.
Về giải pháp để khắc phục tình trạng trên, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh cho biết, đã chỉ đạo Trung tâm NS - VSMTNT huy động nguồn lực để đầu tư cải tạo hệ thống lọc, nâng cấp, tăng công suất một số các trạm cấp nước hiện hữu; tăng cường kiểm tra chất lượng nguồn nước; bảo dưỡng, súc rửa toàn bộ tuyến ống mạng tại các trạm cấp nước,.. đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân trong giờ cao điểm.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, Sóc Trăng nằm trong vùng có điều kiện khó khăn về nguồn nước. Thời gian tới, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, khô hạn, các hình thái thời tiết khí hậu ngày càng diễn biến phức hơn, UBND tỉnh sẽ nỗ lực hết sức, đặt vấn đề đảm bảo nước sinh hoạt là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, với mục tiêu chủ động và đảm bảo nước sinh hoạt liên tục, phục vụ tốt nhu cầu sử dụng của nhân dân.
Lãnh đạo tỉnh này cho biết về lâu dài tỉnh đã giao Sở Xây dựng nghiên cứu quy hoạch các hồ chứa nước lớn làm nguồn cung cấp nước mặt xử lý phục vụ nước sinh hoạt cho người dân.