MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều tuyến kênh nội đồng tại Cà Mau đã khô kiệt nước. Ảnh: Nhật Hồ

Nghịch lý vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Sống trên nước nhưng lại thiếu nước

QUANG PHƯƠNG LDO | 28/03/2024 06:24

Đây là điều mà Phó Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam Trần Anh Tuấn đặt vấn đề trong buổi Hội thảo Sống chung với hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra tại TP Cần Thơ.

Lượng muối trong nước có nơi không thể xử lý nổi

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam Trần Anh Tuấn đặt vấn đề ĐBSCL có hệ thống sông lớn như sông Cửu Long, sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn, Cái Bé… Mặc dù sống trên nước nhưng nghịch lý lại thiếu nước; nguyên nhân là do hạn, mặn và phèn gây ra; từ đó cần đảm bảo cung ứng nước sạch cho người dân vùng hạn, mặn.

Phó Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam Trần Anh Tuấn. Ảnh: Quang Phương

“Hiện nay, xâm nhập mặn đã diễn ra nhiều nơi trong vùng ĐBSCL. Hơn nữa, mặn dâng lên nhưng không xác định là bao lâu. Độ mặn thì khác nhau và ngày càng tăng lên, lượng muối trong nước có nơi không thể xử lý nổi. Thậm chí, có người ở Cà Mau từng nói nấu canh khỏi bỏ muối vì mặn quá rồi”, ông Tuấn cho hay.

Ông Đỗ Minh Điền - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Cà Mau - cho biết, Cà Mau là tỉnh duy nhất trong 13 tỉnh vùng ĐBSCL không có nguồn nước ngọt bổ sung, hạn hán khốc liệt những năm qua. Riêng năm nay càng ảnh hưởng rất lớn, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, sụt lún, khó khăn trong vận chuyển hàng hoá.

Thiếu nước sạch mùa khô, hơn 3.000 hộ dân ở Cà Mau phải tiết kiệm từng giọt nước. Ảnh: Nhật Hồ

“Tính đến ngày 25.3, Cà Mau xảy ra sụt lún tại 131 tuyến kênh, 569 điểm. Vụ lúa vừa rồi, sau thu hoạch, khi các dòng kênh đã cạn, lưu thông thuỷ không được, giá lúa của bà con giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg do chi phí vận chuyển tăng lên”, ông Điền nói.

Ông Điền thông tin thêm, mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã quyết định chi 10 tỉ đồng cho 3 huyện thiếu nước nghiêm trọng. Các đơn vị đang triển khai quyết liệt để hỗ trợ bà con vùng thiếu nước với khoảng 13.900 hộ dân thiếu nước. Đặc biệt, có 2.620 hộ dân không được tiếp cận nguồn nước phải mua nước sinh hoạt từ 40.000 - 50.000 đồng/m3 nước.

Còn tại tỉnh Bến Tre, ông Bùi Văn Thắm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre - cho rằng, do là tỉnh cuối nguồn của dòng Cửu Long, trong đó có 4 nhánh sông và 3 tuyến cù lao nên hằng năm tỉnh này chịu rất nhiều ảnh hưởng của hạn, mặn, sạt lở. Nếu không được đầu tư sớm về các hệ thống cống lớn, Bến Tre vẫn phải chịu hạn mặn trong nhiều năm tới.

Vào cuộc sớm để giảm thiệt hại

Theo Phó Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam Trần Anh Tuấn, hiện đã có 4 quyết định được Thủ tướng phê duyệt liên quan đến các dự án cấp nước cho vùng ĐBSCL. Trong đó, nổi lên là đề xuất xây dựng hệ thống những nhà máy nước liên thông để cấp nước cho các nhà máy nước.

Về giải pháp công trình, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam Trần Bá Hoằng cho hay, vùng ĐBSCL đã được đầu tư những dự án thủy lợi lớn như Cái Lớn - Cái Bé mang lại hiệu quả cho vùng Hậu Giang, Kiên Giang; cống Nguyễn Tấn Thành ở Tiền Giang, mặc dù chưa xong nhưng đã kịp thời kiểm soát, nhất là bảo vệ nhà máy nước Đồng Tâm.

Ông Trần Bá Hoằng chia sẻ về các giải pháp công trình tại vùng ĐBSCL. Ảnh: Quang Phương

"Năm nay, với tinh thần vào cuộc sớm, mặc dù hạn, mặn cao hơn trung bình nhiều năm, có thời điểm vào sâu hơn cả năm 2016, nhưng đến thời điểm này, thiệt hại chỉ xảy ra ở một số nơi do canh tác ngoài khuyến cáo. Còn toàn bộ diện tích 1,5 triệu ha lúa Đông Xuân đã thu hoạch phần lớn đạt năng suất tốt, hiện còn 78.000ha đang trổ, có nguy cơ ảnh hưởng khoảng 20.000ha", ông Hoằng chia sẻ.

Theo ông Hoằng, ĐBSCL cần xem hạn mặn là thuộc tính của vùng, xảy ra hằng năm, chỉ khác nhau là cao hay thấp; chú trọng quan tâm công tác dự báo, để chủ động; cùng với đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giải pháp công trình hỗ trợ, phục vụ nhu cầu chuyển đổi, để không phải lo đi chống hạn mặn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn