MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mỏ than khai thác lộ thiên 917 của Công ty Than Hòn Gai tại TP.Hạ Long đã đóng cửa. Ảnh: Nguyễn Hùng

Nghiên cứu đầu tư xây dựng Bảo tàng Than trên cơ sở cải tạo mỏ than cũ

Nguyễn Hùng LDO | 02/12/2023 16:43

Quảng Ninh - Với những tài nguyên cả vật thể và phi vật thể của ngành Than tại Quảng Ninh vô cùng lớn và phong phú, việc xây dựng một Bảo tàng Than là cần thiết và sẽ không chỉ là góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, mà còn là điểm du lịch đặc sắc mà kể cả trên thế giới cũng hiếm có.

Theo Nghị quyết mới đây của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững, tỉnh Quảng Ninh đặt vấn đề nghiên nghiên cứu thu hút đầu tư, xây dựng Bảo tàng Than.

Theo đó, bảo tàng này sẽ được nghiên cứu xây dựng trên cơ sở bảo tồn, cải tạo một số khai trường khai thác than có dấu ấn lịch sử đã đóng cửa để biến thành di sản văn minh công nghiệp, di sản của giai cấp công nhân vùng Mỏ.

Ngành Than Việt Nam đã có lịch sử khai thác hơn 180 năm, với 87 năm truyền thống vẻ vang, từ cuộc tổng bãi công ngày 12.11.1936 của hơn 3 vạn thợ Mỏ đã giành thắng lợi rực rỡ.

Nơi khai thác hòn than đầu tiên được xác định là Yên Lãng, phường Yên Thọ, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh hiện nay. Ngày 10.1.1840, vua Minh Mạng ra bức chỉ dụ cho Tổng đốc Hải Yên chính thức khai thác than ở vùng núi Yên Lãng.

Hiện ở đây có Di tích Miếu Mỏ - nơi mà Tập đoàn TKV và các đơn vị thuộc TKV thường về dâng hương, tri ân các bậc tiền nhân khai sinh ra ngành than Việt Nam và những người thợ mỏ đã hy sinh vì sự nghiệp sản xuất than…

Trụ sở của một công ty khai thác than của Pháp tại Hạ Long được xây dựng năm 1888. Ảnh: Nguyễn Hùng

Ngày 26.7.1884, Triều đình Huế ký nhượng bán mỏ than Hòn Gai cho đại diện tư bản Pháp là Bavie Chauffour với thời hạn chuyển nhượng là 100 năm tính từ ngày ký. Theo thoả thuận, Bavie Chauffour có quyền xây dựng bất cứ công trình nào trên nhượng địa. Để khai thác than ở mỏ, các công ty Pháp đã tuyển công nhân từ các tỉnh Bắc Kỳ. Năm 1911, toàn khu mỏ có 8.223 công nhân, năm 1939 tăng lên 55.000 công nhân và đến năm 1945 giảm còn 4.000 công nhân.

Trong thực tế, thoả thuận nhượng bán khu Mỏ chỉ kéo dài 71 năm sau khi khu Mỏ được giải phóng, Pháp rút những người lính cuối cùng về nước vào ngày 24.4.1955.

Kể từ đó đến nay, ngành Than trải qua những giai đoạn phát triển vượt bậc, nhưng cũng có lúc thăng trầm. Tất cả những gì các thế hệ thợ Mỏ để lại, cả triệu triệu tấn “vàng” đen quý giá; sự vất vả, hi sinh, mất mát và những khai trường, đường lò… đều là những tư liệu, hiện vật cực kỳ quý giá để làm nên một bảo tàng có một không hai trên thế giới.

Tuy nhiên, hiện những điều đó mới chỉ phần nào được thể hiện trong một không gian nhỏ bé ở Bảo tàng Quảng Ninh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn