MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô Nguyễn Thị Hồng Châu - giáo viên hợp đồng 23 năm tại trường THCS Tân Minh. Ảnh: BM

Nghiệt ngã thân phận những nhà giáo ngoài biên chế

Bình Minh LDO | 30/03/2019 13:29
Trong số 256 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn đang thấp thỏm lo âu bởi nguy cơ bị mất việc làm, rất nhiều người có thành tích cao hay có hoàn cảnh khó khăn. Vậy mà, chỉ vì thân phận là nhà giáo ngoài biên chế, họ có thể phải rời xa công việc mà họ tâm huyết theo đuổi, gắn bó nhiều năm.

Chưa từng được thi hay xét tuyển viên chức

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Châu là một trong số những người gắn với nghiệp “giáo viên hợp đồng” lâu nhất. Tốt nghiệp đại học sư phạm chuyên ngành Ngữ văn từ năm 1996, từ đó đến nay, suốt 23 năm ròng cô là giáo viên trường THCS Tân Minh B. Cô Châu từng có 6 sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp thành phố, được 5 giấy khen từ lao động giỏi, lao động tiên tiến đến chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, có học sinh giỏi cấp huyện và được trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục… Từng đó thành tích cũng không đủ thuyết phục các cơ quan chức năng để có thể trao cho cô một quyết định được đứng trong đội ngũ những nhà giáo “chính quy”.

Có những quy định hết sức khó hiểu khiến cho cô Châu cũng như hàng loạt giáo viên khác ở huyện Sóc Sơn mãi vẫn là nhà giáo “ngoài biên chế”. Đó là từ năm 2012, khi Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ra đời, trong điều 14 về xét tuyển đặc cách, khoản a của điều này ghi rõ: “Người có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 3 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng;”. Những người có trách nhiệm “lỡ” quên mất việc áp dụng Nghị định hồi đó khiến cho nhiều người đủ tiêu chuẩn về mọi mặt phải vật vã, khổ sở dù đóng góp của họ không hề thua kém những giáo viên trong biên chế.

Ngoài ra, có một quy định khác của huyện khiến cho nhiều giáo viên phải chịu thiệt thòi. Trước kia chỉ có giáo viên là người Sóc Sơn mới được dự các kỳ thi tuyển viên chức. Những năm gần đây, quy định đó được cởi bỏ nhưng vẫn bị nhiều người ở nơi khác lợi dụng bằng cách thi đỗ viên chức ở Sóc Sơn, nhưng chỉ sau vài năm, thậm chí vài tháng lại xin chuyển đi địa bàn khác. Thế là những người tâm huyết, gắn bó lâu dài, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của huyện cứ mãi phải ỳ ạch với thân phận giáo viên hợp đồng.

Biết làm gì nếu không còn được làm thầy?

“Mắt mờ, chân chậm” là từ mà cô Bùi Hương Lan, tổ trưởng tổ Văn, trường THCS Đức Hòa (Sóc Sơn) nói trong nước mắt giàn giụa.

“Nhiều người trong chúng tôi cống hiến cả tuổi thanh xuân cho ngành giáo dục huyện nhà, đã khẳng định được chuyên môn trong suốt hơn 20 năm qua; thậm chí nhiều người là giáo viên giỏi cấp thành phố, giữ những vị trí chủ chốt trong nhà trường. Vậy mà bây giờ phải lo thi với những đối tượng là học sinh của mình, mà nếu thi không đỗ thì phải ra khỏi ngành. Lúc này khi tuổi cao sức yếu, chúng tôi biết làm gì để đảm bảo cuộc sống gia đình” – cô Lan buồn bã nói thêm.

Thể hiện sự chán nản không kém là cô Lương Thị Trang Nhung, giáo viên trường THCS Phù Linh, chua chát nói: “Suốt 24 năm công tác, tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, liên tục là lao động giỏi, CSTĐ, tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, được Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục, 2 lần được nâng lương trước thời hạn. Bằng ấy thứ không lẽ không đủ để minh chứng năng lực, để rồi bây giờ lại phải thi cùng những em trẻ mới ra trường”.

Cũng như cô Nhung, cô Lan, nhiều người khác đã có hàng chục năm chấp nhận thân phận giáo viên hợp đồng của trường với mức phụ cấp chỉ 200.000 đồng/tháng. Vậy mà họ vẫn kiên trì bám trường, bám lớp, yêu nghề mãnh liệt và cống hiến tận tâm.

Theo thống kê sơ bộ của nhóm giáo viên hợp đồng, hiện có khoảng hơn 30 người có hoàn cảnh khó khăn. Một số người một mình nuôi 2 con nhỏ đang tuổi ăn học. Thậm chí, có người bị bệnh nặng, hay vợ hoặc chồng bị bệnh, là lao động trụ cột trong gia đình. Nếu họ bị chấm dứt hợp đồng, không hiểu những thầy cô đã lớn tuổi sẽ làm gì để nuôi sống bản thân và gia đình?

Họ – những giáo viên bao năm nay chỉ theo nghiệp dạy học – đang rất mong chờ “phán quyết” mang tính nhân văn của UBND thành phố để ít nhất yên tâm không bị mất việc một cách vô lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn