MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngộ độc liên tiếp ở Quảng Nam: Hiểm họa từ món cá chép ủ chua

Hoàng Bin LDO | 19/03/2023 14:17

Kết quả kiểm nghiệm mẫu cá chép muối ủ chua trong vụ ngộ độc thực phẩm tại Quảng Nam xác định, các nạn nhân nhiễm độc tố botulinum. Đây là chất độc cực mạnh, có thể gây chết người với hàm lượng rất nhỏ.

Nạn nhân nhiễm chất độc cực mạnh

Ngày 19.3.2023, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam Mai Văn Mười cho biết, Viện Pasteur Nha Trang đã có thông báo kết quả kiểm nghiệm mẫu thức ăn liên quan vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, Quảng Nam. Theo đó, Viện Pasteur Nha Trang tiếp nhận một mẫu thức ăn là món cá chép làm chua trong vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ngày 7.3.2023 tại xã Phước Đức. Qua tiến hành kiểm nghiệm tác nhân nghi ngờ, xác định, mẫu món cá chép làm chua dương tính với vi khuẩn Clostridium botulinum type E.

Độc tố botulinum sinh ra bởi vi khuẩn Clostridium botulinum,  gồm có 7 loại, ký hiệu bằng các chữ cái từ A đến G. Đây là loại độc tố thần kinh cực mạnh, chỉ 0.03 mcg tiêm tĩnh mạch có thể gây tử vong một người nặng 70kg. 1kg có thể gây tử vong 1 tỉ người. Người bệnh thường bị nhiễm độc tố botulinum khi ăn các loại đồ hộp đóng kín không bảo đảm điều kiện bảo quản, theo thông tin từ Bộ Y tế.

Từ ngày 7.3.2023 đến ngày 18.3.2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra  2 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến việc ăn cá chép ủ chua tại huyện Phước Sơn, làm 10 người có diễn biến nặng phải nhập viện điều trị thở máy. Trong đó, 1 người đã tử vong.

Những nạn nhân bị ngộ độc đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Ảnh: Hoàng Bin

Các nạn nhân sau khi ăn món cá chép ủ chua thì có biểu hiện chóng mặt, đau bụng, khó thở, nôn ói, tê chân, tê tay, mắt mờ, mỏi cơ, suy hô hấp, phải thở máy.

10 người bị ngộ độc là đồng bào Giẻ Triêng. Món ăn cá chép làm chua là món ăn truyền thống của người dân, do gia đình tự chế biến từ: Cá chép, muối, cơm hoặc bột bắp, ớt… sau đó ủ trong hủ kín khoảng một tuần. 

Đề phòng nguy cơ tiếp tục ngộ độc

Ngành Y tế Quảng Nam đang khẩn trương tìm nguồn nhiễm do 2 ca bệnh ở 2 xã khác nhau dưới 100km, không do cơ sở sản xuất nhưng xảy ra cùng thời điểm. Thông báo nguyên nhân ngộ độc cho người dân trên địa bàn, ngăn chặn khả năng có người bị ngộ độc tiếp.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam Mai Văn Mười cho hay, đã chỉ đạo Trung tâm y tế huyện Phước Sơn tiếp tục ra soát các trường hợp liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm để phát hiện sớm, tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời, trường hợp có diễn biến nặng phải chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời.

Các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy khẩn trương cứu chữa các nạn nhân vụ ngộ độc. Ảnh Hoàng Bin.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, vi khuẩn C.botulinum có đặc điểm kỵ khí, do đó không thể phát triển ở những nơi thông gió tốt, có đủ oxy. Đồng thời, vi khuẩn cũng không phát triển được ở môi trường chua (pH <4.6), mặn (nồng độ muối ăn >5%).

Khi thực phẩm đóng hộp có lẫn một vài bào tử C.botulinum do quy trình sản xuất không đảm bảo, trong môi trường được đóng kín không có ôxy, nếu thực phẩm không có đủ độ mặn và chua thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, tiết ra độc tố botulinum. Đây là nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm.

Để giảm thiểu, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, ngành y tế Quảng Nam khuyến cáo người dân: Không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua. Không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng... Cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương như món cá chép làm chua. Tuyệt đối không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.

Ngày 19.3, đội chuyên gia của bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh tăng cường đã có mặt tại Quảng Nam để hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân. 

Thành viên của đội gồm các chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu, hồi sức chống độc và dược. Ngoài ra, đội hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy còn đem theo 5 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng giải ngộ độc tố Clostridium Botulinum, đây là một loại thuốc rất hiếm.

3 bệnh nhân nặng thở máy đã được truyền mỗi người 1 lọ BAT, theo dõi sát phản vệ trong và sau truyền. Theo dõi sát biến chứng loạn nhịp tim và săn sóc bệnh nhân thở máy.

2 bệnh nhân còn lại tiếp tục theo dõi sát tình trạng yếu liệt của bệnh nhân để quyết định có sử dụng BAT hay không.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn