MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại lễ ký kết văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa 2 nước diễn ra tháng 10.2019 tại Hà Nội. Ảnh: Sơn Tùng

Ngoại giao chung tay bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc

Thanh Hà LDO | 02/09/2020 20:24

Biên giới lãnh thổ là một vấn đề thiêng liêng, luôn được dân tộc ta coi trọng, bảo vệ và công tác biên giới lãnh thổ là bộ phận của ngành ngoại giao trong nhiều năm qua. 

Khẳng định đường biên giới Việt Nam trên bộ 

Chia sẻ bên lề kỷ niệm 75 năm ngoại giao Việt Nam (28.8.1945 - 28.8.2020), ông Lê Hoài Trung - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia nhấn mạnh, biên giới lãnh thổ là một vấn đề thiêng liêng, luôn được dân tộc ta coi trọng, bảo vệ và công tác biên giới lãnh thổ là bộ phận của ngành ngoại giao trong nhiều năm qua.

“Trong thời gian qua, công tác biên giới lãnh thổ đóng góp vào việc khẳng định những đường biên của Việt Nam trên bộ, trên biển; bảo vệ, chống lại hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của chúng ta trên biển cũng như chủ quyền của chúng ta trên bộ” -  Thứ trưởng Lê Hoài Trung nói. 

Ông lưu ý, công tác biên giới lãnh thổ cũng đồng thời gắn với hợp tác thúc đẩy các hình thức hợp tác trên đất liền, trên biển và trên bầu trời với các nước, đặc biệt tiến hành phân định các vùng biển, trên bộ với các nước láng giềng, đóng góp vào gìn giữ môi trường hoà bình, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác phát triển với các nước cũng như tạo điều kiện phát triển cho các địa phương và trên cả nước. 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Lê Hoài Trung chỉ ra, trong 75 qua, trong công tác biên giới lãnh thổ, thành tựu của ngành ngoại giao là đã hoạch định, phân định, phân giới cắm mốc đường biên giới trên bộ với Lào, Trung Quốc, Campuchia.

“Trên gần 5.000km đường biên giới giữa Việt Nam với 3 nước láng giềng, Việt Nam đã hoạch định, phân giới, cắm mốc xong. Chúng ta tiến hành ký nhiều hiệp định về phân định trên biển giữa Việt Nam và các nước láng giềng” - ông nói thêm. 

Còn ông Trần Văn Tuấn - Vụ trưởng Vụ Biên giới phía Tây, Ủy ban Biên giới quốc gia - đơn vị quản lý đường biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia dài hơn 3.500km trải dài trên 19 tỉnh của Việt Nam, từ Điện Biên đến Kiên Giang, cũng thông tin về đóng góp của ngành ngoại giao trong công tác biên giới lãnh thổ.

Theo ông Tuấn, với Lào, Việt Nam đã hoàn thành công toàn bộ công tác phân giới cắm mốc trên thực địa cũng như hoàn tất về quy chế quản lý biên giới và quản lý cửa khẩu biên giới. Hai bên đang triển khai, phối hợp tốt trong công tác quản lý, bảo vệ và giải quyết các vấn đề phát sinh, đồng thời hướng tới quy hoạch phát triển để thúc đẩy giao lưu và đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Đối với biên giới Việt Nam - Campuchia, “thành tựu vừa qua là rất lớn”, ông Tuấn nhấn mạnh. Theo đó, 2 văn kiện pháp lý về ghi nhận thành quả 84% công tác phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia đạt được năm 2019 là “thành quả hết sức to lớn và quan trọng, ghi nhận kết quả của 36 năm hợp tác giải quyết vấn đề biên giới giữa 2 nước”.

“Đây là thành tựu có ý nghĩa hết sức quan trọng, qua đó lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới 2 bên quản lý đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, tạo điều kiện cho nhân dân 2 bên ổn định canh tác sản xuất dọc biên giới, cho các địa phương 2 bên có cơ sở để triển khai các thỏa thuận hợp tác cũng như triển khai các dự án phát triển kinh tế thương mại vùng biên” - ông Tuấn nói đồng thời cho biết, Việt Nam và Campuchia sẽ tiếp tục phối hợp để giải quyết 16% đường biên giới còn lại. 

Giữ vững chủ quyền biển, đảo

Tại lễ kỷ niệm hôm 27.8, trong tham luận “Giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Nguyễn Mạnh Đông chia sẻ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

“Nhiệm vụ này ngày càng nặng nề và gặp nhiều khó khăn, thách thức phức tạp hơn, do việc áp đặt đơn phương các yêu sách phi lý và các hành động nhằm thực thi các yêu sách này ở khu vực Biển Đông, cũng như tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến nhanh, khó lường và chứa đựng nhiều nhân tố bất ổn” - ông nói.

Theo ông Đông, trong bối cảnh đó, Vụ Biển, Ủy ban Biên giới quốc gia đã đạt được nhiều thành tích thiết thực, đóng góp quan trọng, cụ thể và có ý nghĩa góp phần vào việc “kiên quyết, kiên trì bảo vệ và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển” gắn với giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Trong đó, cơ quan đã chủ động nghiên cứu, dự báo, xây dựng các đề án, phương án, kịch bản nhằm sẵn sàng ứng phó, không để bị động, bất ngờ trước các diễn biến trên biển. Xử lý tốt các trường hợp vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên biển cũng như bảo vệ tốt các hoạt động kinh tế biển, các hoạt động tàu thuyền ngư dân Việt Nam trên biển. Bên cạnh đó, cơ quan đã kịp thời tham mưu, đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp đấu tranh trước bất cứ vi phạm nào đối với chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển của Việt Nam. Trong quá trình đấu tranh luôn chú trọng công tác phối hợp hiệp đồng giữ vững và phát huy sức mạnh tổng thể trên các mặt trận chính trị, ngoại giao, dư luận, pháp lý và thực địa, đồng thời luôn giữ vững dư địa để giải quyết xử lý tốt các vấn đề. 

“Năm 2019, đối với vụ việc vi phạm dài ngày ở vùng biển Việt Nam của nhóm tàu HD8 của Trung Quốc, trong suốt 4 tháng, các cán bộ, nhân viên của Vụ Biển nói chung cũng như Ủy ban Biên giới nói riêng đã không quản vất vả, kiên trì đấu tranh, xử lý tốt vụ việc, đảm bảo đúng các mục tiêu yêu cầu đề ra, đã được Bộ Chính trị đánh giá tốt” - ông Đông nói. 

Trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, Việt Nam cũng chủ động, thúc đẩy và làm tốt vai trò chủ trì các cơ chế đàm phán, hợp tác biển ở các cấp với các quốc gia có liên quan như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines không ngừng đạt kết quả tích cực, tiến triển thực chất, qua đó không chỉ góp phần khẳng định các quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam mà còn góp phần tăng cường thúc đẩy quan hệ hữu nghị với các quốc gia láng giềng, đoàn kết ASEAN. Việt Nam đã tăng cường mở rộng hợp tác biển với các đối tác lớn trong và ngoài khu vực tạo môi trường tốt hơn cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông.

Các cơ quan ngoại giao Việt Nam cũng tích cực tham gia công tác tuyên truyền, đấu tranh dư luận trong và ngoài nước để dư luận hiểu rõ hơn về tình hình Biển Đông, chính nghĩa, lập trường, thiện chí cũng như quyết tâm của Việt Nam trong việc xử lý vấn đề Biển Đông, qua đó củng cố thêm lập luận xã hội, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. 

“Thách thức đối với công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo - không gian sinh tồn của dân tộc - trong giai đoạn tới ngày càng phức tạp, các vấn đề cần giải quyết đều là những vấn đề khó và phức tạp” - ông Đông cho biết.

Ông nhấn mạnh, trong tình hình mới, chung tay bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc chính là “trách nhiệm, danh dự và tự hào của thế hệ cán bộ ngoại giao, cán bộ làm công tác biên giới, lãnh thổ, pháp lý”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn