MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngư dân không chấp thuận nhà máy bột giấy 10.000 tỉ đồng xả thải ra biển

VIÊN NGUYỄN LDO | 06/08/2023 07:47

Quảng Ngãi - Chỉ là một vịnh nhỏ với bờ biển chưa đầy 5km nhưng phải “gánh” đường ống xả thải của các nhà máy công suất lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường... nên suốt 8 năm qua, hàng nghìn ngư dân ở Quảng Ngãi không chấp thuận cho Nhà máy bột giấy VNT-19 đặt đường ống xả thải ra vịnh Việt Thanh.

Vịnh nhỏ “gánh” đường ống xả thải lớn

Vịnh Việt Thanh nằm phần lớn ở xã Bình Trị, từ bao đời nay là ngư trường khai thác hải sản của khoảng 300 hộ dân với 918 nhân khẩu ở xã Bình Trị. Khi hay tin Nhà máy bột giấy VNT-19 đặt ống xả thải trực tiếp ra vịnh, người dân ở các xã Bình Trị, Bình Hải, huyện Bình Sơn… kiên quyết không chấp thuận.

Nhà máy bột giấy VNT-19. Ảnh: Ngọc Viên

Thu tấm lưới nhuốm màu nâu vào chiều ngày 2.8, ông Đỗ Thành Long (48 tuổi) ở thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị than thở: “Bằng mắt thường, khó thấy biển ở đây đang bị ô nhiễm, nhưng khi thả lưới đánh cá rồi kéo lên, sẽ thấy lưới phủ màu nâu do chất bẩn bám vào. Chất bẩn này phần lớn là do hoạt động xả thải của các nhà máy lớn đóng trên địa bàn. Nhà máy hoạt động càng nhiều thì ngư trường của ngư dân càng hẹp, hải sản cũng cạn kiệt, khiến cuộc sống của ngư dân ngày càng chật vật hơn”.

Ông Đỗ Thành Long - một ngư dân khai thác hải sản trên vịnh Việt Thanh - lo lắng khi hay tin Nhà máy bột giấy VNT-19 đặt ống xả thải ra vịnh. Ảnh: Ngọc Viên

Tất bật kéo thúng từ bờ ra vịnh Việt Thanh để đánh bắt hải sản vào chiều ngày 2.8, ngư dân Phạm Thọ (76 tuổi) ở thôn Lệ Thủy tâm sự: “Tôi làm nghề câu mực, bắt tôm cá ở vịnh Việt Thanh trên 30 năm. Khoảng 15h ra biển, đến 6h sáng hôm sau thì về bờ, thu nhập khoảng 300 nghìn đồng/ngày. Mỗi năm chỉ đánh bắt được khoảng 7 tháng, những tháng còn lại biển động nên phải cho thúng nằm bờ. Nghe tin nhà máy giấy đặt ống xả thải ra vịnh, tôi rất lo, bởi đây là vịnh nhỏ, bờ biển hẹp, không thích hợp cho việc xả thải của các nhà máy lớn, nếu có sự cố gì thì ngư dân là người chịu tác động đầu tiên”.

Chưa đầy 1km nhưng có 2 đường ống xả thải lớn

Theo cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi, diện tích khu vực biển đề nghị giao xây dựng tuyến ống xả thải sau khi xử lý của dự án Nhà máy bột giấy VNT 19 là gần 0,5ha; nằm trong vịnh biển Việt Thanh, thôn Lệ Thuỷ, xã Bình Trị.

Ngư dân Phạm Thọ ở thôn Lệ Thủy (76 tuổi) cùng vợ đưa thúng ra vịnh Việt Thanh để khai thác hải sản. Ông cho rằng Nhà máy bột giấy VNT-19 đặt đường ống xả thải ra vịnh là không phù hợp. Ảnh: Ngọc Viên

Chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động vào chiều ngày 2.8, ông Nguyễn Văn Xuân – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trị cho biết, ngư dân ở thôn Lệ Thủy cho rằng, hiện đã có Nhà máy lọc dầu Dung Quất xả thải vào nguồn nước biển tại khu vực này, nếu có thêm đường ống xả thải của Nhà máy bột giấy VNT -19 sẽ làm mất ngư trường khai thác hải sản của người dân, vì chưa đầy 1km đã có 2 vị trí xả thải. Ngày trước, nhân dân chấp thuận xả thải của Nhà máy lọc dầu Dung Quất vì đây là công trình trọng điểm quốc gia, còn nếu giờ cho thêm Nhà máy bột giấy VNT -19 xả thải nữa thì phải di dời dân.

Hiện Sở TNMT tỉnh Quảng Ngãi đã nhận văn bản tham gia ý kiến của 4 bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, về đề nghị giao khu vực biển tại xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, để xây dựng tuyến ống xả thải sau khi xử lý, dự án Nhà máy bột giấy VNT 19.

Theo đó, Bộ Quốc phòng cho biết, vị trí khu vực biển không ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị quân đội, vì vậy thống nhất với hồ sơ đề nghị.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc giao khu vực biển cho Công ty bột giấy VNT-19 (không có vốn đầu tư nước ngoài), thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Vịnh Việt Thanh là “cánh đồng” mưu sinh của hàng nghìn ngư dân, việc đường ống xả thải của nhà máy có công suất lớn nhất nước xả ra vịnh Việt Thanh khiến người dân trăn trở, lo ngại. Ảnh: Ngọc Viên

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ rõ, quy mô công suất nước thải của dự án là 73.000m3/ngày-đêm, phù hợp với Quyết định số 2270/QĐ-BTNMT, ngày 7.9.2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Dự án nhà máy bột giấy VNT-19, được khởi công năm 2015 tại xã Bình Phước. Qua 3 lần điều chỉnh, hiện dự án được nâng công suất giai đoạn 1 là 350.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm, diện tích đất sử dụng (giai đoạn 1) là 117ha, tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào cuối quý IV năm 2024. Tuy nhiên hiện đang bí đường xả thải vì người dân không chấp thuận

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn