MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các ngư dân Quảng Nam đón tết trên biển với nỗi nhớ nhà. Ảnh: Nguyễn Linh

Ngư dân Quảng Nam đón giao thừa trên biển: Nhớ nhà, nhớ con lắm chứ

Nguyễn Linh LDO | 20/01/2023 15:42

Những ngày cận tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các ngư dân Quảng Nam hối hả chuyển lương thực, nước uống xuống tàu để chuẩn bị một chuyến vươn khơi xuyên Tết.

Vươn khơi xuyên Tết

Ông Nguyễn Thanh Tiến (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành), chủ tàu cá QNa-91327 đã làm cái nghề biển hơn 30 năm, bao thăng trầm của nghề đi biển ông đều đã trải qua. Đặc biệt, những chuyến vươn khơi vào dịp cuối năm là chuyến đi khiến thuyền viên chạnh lòng nhất.

Ngày Tết, ngày đầu năm, ai cũng có vợ, con, gia đình ở bên, cùng nhau sum vầy, thăm hỏi, chúc Tết ông bà nhưng với những gia đình ngư dân như ông Tiến thì Tết lại khiến họ phải chia xa.

Những chuyến đánh bắt xuyên Tết khiến ai cũng chạnh lòng. Ảnh: Nguyễn Linh

“Ai cũng muốn được ở bên gia đình, vợ, con vào ngày lễ Tết nhưng với chúng tôi, đó lại là điều xa vời. Dù biết các con buồn lắm nhưng biết làm sao, cuộc sống phải mưu sinh thôi”, ông Nguyễn Thanh Tiến nói.

Tết là thời điểm giao mùa nên rất dễ trúng các mẻ cá lớn, cá to vì vậy đa số ngư dân tại Quảng Nam đều chọn những ngày cuối năm, ngày 30 tháng Chạp để vươn khơi.

“Thời khắc giao thừa có chút trầm buồn, nhớ nhà, nhớ vợ con vô cùng, nhưng đã là “cái nghề, cái nghiệp” thì chúng tôi chấp nhận. Với chúng tôi biển là nhà, mà đã là nhà thì ăn Tết ở đâu cũng vậy. Dù gặp nhiều khó khăn thậm chí là ảnh hưởng tính mạng, chúng tôi cũng không bỏ được biển”, một ngư dân chia sẻ

Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, dù cuộc sống đang dần trở lại bình thường nhưng cuộc sống của những người ngư dân vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề.

“Hai năm qua bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cộng thêm giá dầu tăng cao khiến chúng tôi vay mượn khắp nơi để xoay sở, nay tranh thủ dịp Tết ra khơi cũng mong trúng được mẻ cá lớn”, ngư dân Vũ Thanh Lâm, thuyền viên tàu cá QNa 91327 bộc bạch.

Tết đến xuân về là dịp để người người, nhà nhà trở về, quây quần bên nhau nhưng với những người ngư dân, Tết cũng là dịp để họ hy vọng vào một mẻ cá lớn. Biết rằng xa gia đình rất khó nhưng vì cuộc sống mưu sinh, họ đành gác lại nỗi nhớ để vươn khơi.

Giao thừa trên biển

Trên tàu, vợ ông Nguyễn Thanh Tiến đã tất bật mang mì tôm, gạo, thịt, bánh chưng, dưa cà… xếp lên tàu cùng những ngư dân khác.

Vì đây là chuyến đi đặc biệt, chuyến đi xuyên Tết nên những ngư dân phải mang nhiều lương thực hơn ngày bình thường để chuẩn bị cúng giao thừa, cúng tạ thần biển.

Đối với họ, biển cả như một người mẹ, một vị thần đã cưu mang che chở cho họ suốt bao thế hệ. Biển cho họ cá tôm, cho họ cuộc sống vì vậy thông thường những người ngư dân sẽ dành con cá, con tôm to nhất, đẹp nhất để kính dâng lên thần biển mong cho một năm đánh bắt bội thu, mưa thuận gió hòa.

Hy vọng chuyến đi này của ngư dân sẽ đầy ắp cá tôm. Ảnh: Nguyễn Linh

Với những người ngư dân, biển cả còn là một ngôi nhà. Thời gian ở trên biển của họ còn nhiều hơn thời gian họ ở nhà. Những chuyến đi biển ngày cuối năm cũng chính là chuyến đi để canh giữ, bảo vệ vùng biển của tổ quốc trong dịp Tết Nguyên đán.

Ông Nguyên Thanh Tiến cùng những ngư dân khác dự định đợt này sẽ ăn Tết ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa, vừa đánh bắt, vừa “trông chừng” tổ quốc.

Sau khi cúng giao thừa, các anh em sẽ gọi điện thoại thăm hỏi, chúc mừng và dặn dò gia đình ở đất liền cùng các anh em khác cũng đang đón Tết trên biển. Sau đó, họ quầy quần bên nhau ăn uống và kể lại những chuyến đi đặc biệt trong năm qua, ước hẹn vào năm tới với những mong muốn an lành tốt đẹp.

Rồi cúng giao thừa của những người ngư dân cũng xong, các ngư dân nhanh chóng tản ra, kéo lưới chuẩn bị thu một mẻ cá đầu năm đầy ụ hứa hẹn một tương lai tươi sáng của người ngư dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn