MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người cao tuổi ngày càng chiếm tỉ lệ cao hơn trên thị trường lao động

Tú Quỳnh LDO | 03/11/2020 11:17
Một xu hướng khá phổ biến gần đây trên thị trường lao động là người cao tuổi ngày càng chiếm tỉ lệ cao hơn.

Người cao tuổi vẫn mong muốn được đi làm

Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, Việt Nam hiện có gần 13 triệu người người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 13,6% tổng dân số.

Dự báo, tỉ lệ người cao tuổi ở nước ta sẽ tăng lên khoảng 27 triệu người, chiếm 1/4 tổng dân số cả nước vào năm 2050.

Bên cạnh đó, số liệu thống kê cũng cho thấy, nguồn sống của người cao tuổi Việt Nam khá đa dạng: Từ lao động của chính bản thân người cao tuổi (30%), lương hưu trợ cấp và của cải tích lũy từ khi còn trẻ và do con cháu chu cấp (39,3%).

Tại khu vực thành thị, lương hưu hoặc trợ cấp là nguồn sống chính của 35,6% người cao tuổi, trong khi chỉ có 21,9% người cao tuổi ở nông thôn được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp và có tới 35,2% người cao tuổi ở nông thôn phải tự lao động để kiếm sống.

Nhiều người lao động cao tuổi vẫn đang làm việc. Ảnh: Nam Dương

Hiện nay, cứ 10 lao động lớn tuổi tại các đô thị thì có 7 lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Với tuổi nghỉ hưu như hiện nay thì rất nhiều người cao tuổi vẫn còn sức khỏe và khả năng để làm những công việc phủ hợp mang lại thu nhập cho bản thân, gia đình.

Cùng với việc chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên, những người đến độ tuổi nghỉ hưu vẫn mong muốn được tiếp tục đi làm.

Mặt khác, hiện nay cũng có một bộ phận không nhỏ người cao tuổi không có lương hưu, họ vẫn phải đi làm để có tiền trang trải cuộc sống.

Điều này đã dấn đến một xu hướng khá phổ biến gần đây trên thị trường lao động là người cao tuổi ngày càng chiếm tỉ lệ cao hơn.

Tuy nhiên, đa số người cao tuổi có nhu cầu làm việc không biết tìm việc làm ở đâu. Còn những người có việc thì chủ yếu nhờ vào sự giới thiệu của người quen, bạn bè, nên cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với sức khỏe không nhiều. Công việc họ tìm được chủ yếu tập trung vào các việc như: bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già...

Áp dụng chính sách sinh kế đúng đối tượng

Vừa qua, do tác động của dịch COVID-19 khiến cho cuộc sống của người cao tuổi lại càng khó khăn hơn. Nhiều người cao tuổi bị mất sinh kế, thu nhập giảm sút nghiêm trọng.

Tạo sinh kế cho người cao tuổi là việc làm có ý nghĩa quan trọng. Ảnh: BĐ

Trong khi các quy định về lao động lớn tuổi ở nước ta vẫn khá hạn chế và thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa được hình thành; việc người cao tuổi có thể tìm được công việc phù hợp là không dễ dàng.

Chính vì vậy, việc phát huy sinh kế và khởi nghiệp cho người cao tuổi, đặc biệt là trong bối cảnh khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số và tác động của dịch COVID-19 hiện nay được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách.

Theo TS. Nguyễn Hải Hữu – Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội Việt Nam, Chính sách sinh kế phải áp dụng cho các nhóm người cao tuổi khác nhau và chỉ áp dụng với những người thực sự có nhu cầu.

Khi chính sách sinh kế được áp dụng đúng đối tượng sẽ vừa bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi; vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn