MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Gia cố đoạn đường sụt lún tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Người dân Cà Mau bất an vì nhiều tuyến đường sụt lún nghiêm trọng

NHẬT HỒ LDO | 22/02/2024 14:54

Mực nước trên các hệ thống kênh, mương huyện Trần Văn Thời, Cà Mau bị sụt giảm, khô cạn dẫn đến sụt lún, sạt lở ảnh hưởng lộ bêtông 31 tuyến, với 78 điểm, chiều dài 2.325m. Tuyến lộ thuộc Kinh Cơi 4 - Quảng Hảo, ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi bị sụt một đoạn dài.

Tình hình hạn hán mùa khô năm 2023-2024 trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn biến gay gắt, đặc biệt ở Tiểu vùng III Bắc Cà Mau thuộc huyện Trần Văn Thời, mực nước trên các hệ thống kênh, mương bị sụt giảm, khô cạn.

Tổng số có 36 tuyến kênh tại huyện Trần Văn Thời bị sụt lún, sạt lở, với 107 điểm, tổng chiều dài 3.361m. Trong đó, sụt lún, sạt lở ảnh hưởng lộ bêtông 31 tuyến, với 78 điểm, chiều dài 2.325m; sụt lún, sạt lở đất đen 5 tuyến, với 29 điểm, chiều dài 1.036m. Tuyến lộ thuộc Kinh Cơi 4 - Quảng Hảo, ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời bị sụt một đoạn dài.

Có nhà cạnh vị trí sụt lún, bà Phan Thị Cải cho biết, trước khi sự cố xảy ra đã có hiện tượng nứt đất rồi lộ lún sâu xuống. Được biết, tại nơi này vào mùa khô 2019-2020 cũng đã xảy ra sụt lún đất, gây thiệt hại hạ tầng giao thông.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sụt lún, sạt lở.

Nhận định thời gian tới tình trạng khô hạn tiếp tục kéo dài thì việc sụt lún, sạt lở tuyến đường Co Xáng - Tắc Thủ - Đá Bạc sẽ tiếp tục diễn ra nặng nề như năm 2020, trước mắt, UBND tỉnh đề xuất một số giải pháp như đắp đất tạo phản áp tại một số vị trí có nguy cơ sạt lở.

UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương quan tâm đầu tư các công trình tiếp nguồn cho tỉnh Cà Mau với việc đưa nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau thông qua hệ thống trạm bơm.

Việc tiếp ngọt sẽ thực hiện vào thời điểm cuối tháng 12 năm trước, đầu tháng 1 năm sau cho vùng U Minh Hạ (Tiểu vùng II và III Bắc Cà Mau trên địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời với diện tích là 90.000ha), chủ yếu bơm nước ngọt vào hệ thống kênh, rạch, bởi khi sản xuất vụ 2, nguồn nước mưa trên các tuyến kênh đã dần cạn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đã có buổi làm việc tại UBND huyện Trần Văn Thời, lắng nghe ý kiến của địa phương và các cơ quan chức năng về tình hình sạt lở tại địa phương.

Ông Sử đề nghị lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu phải nghiêm túc vào cuộc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng chống sụt lún, ảnh hưởng của hạn hán vào mùa khô.

Chính quyền địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước ở các kênh, vận động nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống sạt lở, sụt lún đất; cần hạn chế tối đa việc lấy nước ngọt tại các kênh rạch ven đường giao thông, đê biển, đê bao, bờ bao. Quản lý chặt chẽ việc lấy nước ngọt tại các kênh, sông, rạch có tuyến lộ giao thông quan trọng, nguy hiểm dễ bị sạt lở.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải cử cán bộ chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát toàn tuyến và đưa ra giải phòng ngừa sụt lún; Sở NNPTNT chỉ đạo cho cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình, thực hiện các biện pháp cần thiết như duy tu, sửa chữa cũng như gia cố các công trình, vị trí xung yếu có nguy cơ cao xảy ra sụt lún.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn