MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người dân có nhà nằm hai bên trục đường Võ Nguyên Giáp khu vực từ Km23 +050 đến Km23 +300 tiếp giáp với đường sắt đang lo lắng với phương án xây dựng cầu vượt đường sắt, sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của họ. Ảnh: Viên Nguyễn

Người dân chưa đồng thuận việc xây dựng cầu vượt đường sắt trên Quốc lộ 24B

VIÊN NGUYỄN LDO | 22/06/2024 17:08

Việc mở rộng Quốc lộ 24B ở Quảng Ngãi là nhu cầu cấp thiết, nhằm nâng cấp hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế khu vực. Tuy nhiên, nhiều hộ dân trong vùng dự án không hài lòng với phương án xây dựng cầu vượt đường sắt trên Quốc lộ 24B, vì lo ngại ảnh hưởng đến việc kinh doanh và giảm giá trị đất đai của họ.

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24B, đoạn Km23+050 đến Km29+800, qua TP Quảng Ngãi và huyện Sơn Tịnh, dự kiến khởi công trong quý 4 năm 2024.

Dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng kinh phí gần 600 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương, thực hiện từ năm 2023 đến 2025. Việc mở rộng Quốc lộ 24B là rất cần thiết, bởi đây là tuyến giao thông huyết mạch, kết nối từ Khu Kinh tế Dung Quất và Khu công nghiệp Tịnh Phong với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cùng các huyện phía Tây tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum. Tuyến đường hiện tại có mật độ giao thông cao nhưng mặt đường nhỏ, hẹp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Quốc lộ 24B hiện quá chật hẹp, nhất là đoạn tuyến dài gần 6km từ TP Quảng Ngãi đến xã Tịnh Hà, nơi giao nhau với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Việc mở rộng là rất cấp thiết, song nhiều hộ dân chưa đồng thuận với phương án xây dựng cầu vượt đường sắt. Ảnh: Viên Nguyễn

Tuy nhiên, nhiều hộ dân không đồng tình với phương án xây dựng cầu vượt đường sắt trên Quốc lộ 24B. Họ cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh doanh và giá trị bất động sản của họ.

Ngày 13.5.2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tịnh Ấn Tây đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến cộng đồng dân cư về dự án. Tại đây, nhiều người dân không đồng thuận việc làm cầu vượt vì lo ngại việc thi công sẽ chặn lưu thông qua đường ngang, gây khó khăn cho việc kinh doanh và vận chuyển hàng hóa. Họ cũng lo lắng rằng giá trị đất đai sẽ giảm mạnh sau khi dự án hoàn thành, ảnh hưởng nặng nề đến tài sản của họ, đặc biệt là những người đang vay ngân hàng để mua đất và xây nhà.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Minh Tuyên ở xã Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi chia sẻ: "Hầu hết các hộ dân trong vùng dự án đều có thu nhập chính từ việc kinh doanh buôn bán trên mặt tiền đường. Sau khi thi công cầu vượt và chặn đường ngang, chúng tôi không thể tiếp tục buôn bán và gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa. Nhiều hộ dân sẽ lâm vào cảnh khó khăn, thậm chí phá sản".

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Phong - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: "Việc xây dựng cầu vượt đường sắt là quy định bắt buộc, tuy nhiên chúng tôi sẽ lắng nghe và xem xét ý kiến của người dân."

Người dân vùng dự án mong rằng các cơ quan chức năng sẽ xem xét lại việc xây dựng cầu vượt, chỉ triển khai mở rộng đoạn tiếp theo của tuyến để giải tỏa ách tắc giao thông, đáp ứng nhu cầu lưu thông và tiết kiệm ngân sách cho các dự án thực sự cấp thiết, đồng thời tạo cơ hội cho họ duy trì cuộc sống ổn định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn