MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cao tốc đi qua, đời sống người dân địa phương sẽ phát triển hơn. Ảnh: Xuyên Đông

Người dân chung tay gánh vác làm đường cao tốc

Xuyên Đông LDO | 13/02/2024 11:32

Với mục tiêu hoàn thành 5.000km đường cao tốc vào năm 2030, bên cạnh sự nỗ lực của Nhà nước, mục tiêu sẽ khó hoàn thành nếu không có sự chung tay, gánh vác từ người dân.

Khi người dân coi việc nước như việc nhà

Có mặt tại buổi khánh thành tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu (nối 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An) vào những ngày tháng 10.2023, chúng tôi không chỉ thấy được sự hân hoan vui mừng của lãnh đạo cơ quan Nhà nước, mà còn cả những người công nhân một nắng hai sương trên cao trường.

Chị Lê Thị Vui, xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, gia đình chị nhiều đời sinh sống, làm ăn trên mảnh đất này. Do vậy, khi Nhà nước vận động bàn giao mặt bằng làm đường cao tốc, gia đình chị cũng như nhiều hộ dân khác không khỏi tâm tư.

Thế nhưng qua quá trình vận động, chị Vui cũng như nhiều người dân tại địa phương thuộc dự án hiểu rằng đường cao tốc đi qua không chỉ phát triển đất nước mà còn phát triển kinh tế cho chính địa phương, gia đình mình.

Vì thế gia đình chị không chỉ tự nguyện bàn giao mặt bằng mà còn sẵn sàng tự tay tháo dỡ nhà cửa, di dời tài sản, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho cơ quan chức năng.

Không những vậy, người dân không ngại ngần cho công nhân ở trọ, làm cơm thiết đãi như người thân ở xa mới về.

Bà La Thị Hải - Trưởng thôn 1 Thuốc Hạ, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã hiến 200m2 đất vườn và tiên phong nhận đền bù trên 2.500m2 đất rừng sản xuất của gia đình để giải phóng mặt bằng, khi dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang triển khai.

Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang có chiều dài 165km, đầu tư giai đoạn I là 102km, tổng vốn đầu tư trên 6.200 tỉ đồng. Đoạn đi qua địa phận tỉnh Tuyên Quang 77km kết nối với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, trong đó đoạn qua huyện Hàm Yên dài 48,3km đi qua địa bàn 11 xã, thị trấn. Tại xã Tân Thành có 6km đường cao tốc chạy qua.

Vừa là Trưởng thôn, vừa là hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, bà Hải cho biết, khi được chính quyền địa phương thông báo và vận động thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bà cũng như người dân trong thôn đều ủng hộ việc triển khai xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đấu nối với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ bởi giao thông thuận lợi sẽ là động lực đổi mới, phát triển về mọi mặt.

Vì thế khi được vận động giải phóng mặt bằng xây dựng cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, gia đình bà chẳng những tiên phong đi đầu mà còn sẵn sàng hiến 200m2 đất vườn để giải phóng mặt bằng nhanh nhất, góp phần sớm đưa dự án vào thi công.

Ngoài ra, bà Hải còn vận động 9 hộ dân có đất nằm trong phạm vi ảnh hưởng của dự án đồng thuận nhận đền bù để giải phóng mặt bằng.

Nhà nước luôn ghi nhận

Ghi nhận sự đóng góp của người dân trong quá trình làm đường cao tốc, tại lễ khánh thành cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cảm ơn các hộ dân đã nhường đất và dời nhà để các dự án được triển khai, hoàn thành đúng tiến độ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cần tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là những gia đình nhường mặt bằng cho dự án, bảo đảm người dân có điều kiện sống tốt hơn, đặc biệt là sinh kế bền vững.

Nói về dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: “Lịch sử sẽ không quên những người làm đường cao tốc Bắc - Nam”.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh: “Chúng tôi cảm ơn bà con nhân dân bị ảnh hưởng đã vì quyền lợi chung, di dời nhà cửa, mồ mả, ruộng vườn… để nhường đất thi công các dự án cao tốc, chấp nhận nhiều sự thay đổi ở môi trường mới để đổi lấy những con đường lớn thúc đẩy kinh tế địa phương và đất nước”.

Bộ trưởng đánh giá thời gian qua, các tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, cho đến từng cán bộ thôn xóm, nhờ các tổ chức đoàn thể, tôn giáo cùng vào cuộc.

Các thành viên ban giải phóng mặt bằng bám từng hộ dân để thuyết phục, không nề hà đêm ngày. Có những nơi, do lịch sử để lại, việc giải quyết giấy tờ đất đai, chế độ còn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của người dân, lãnh đạo chính quyền địa phương cùng các lực lượng tại địa bàn đã phải bám sát thực tế, vừa làm công tác dân vận vừa bảo vệ hiện trường thi công để dự án đảm bảo tiến độ.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã đưa vào khai thác thêm 730km cao tốc, nâng tổng chiều dài cao tốc của cả nước lên gần 1.900km. Với gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025 cả nước có 3.000km và 2030 trên 5.000km cao tốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn