MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người dân có quyền kiện công ty nước khi bị cắt nước gần 1 tháng trời?

KHÁNH AN LDO | 23/05/2023 17:23
Nhiều người dân bị ảnh hưởng đến sức khoẻ, cuộc sống đảo lộn khi không có nước sạch sử dụng trong thời gian lên tới gần 1 tháng. Liệu người dân có quyền kiện các công ty nước sạch?

Mất nước do áp lực yếu, nguồn cung không đủ

Nhiều người dân xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) phản ánh việc không có nước sạch sử dụng giữa cao điểm nắng nóng. 

Để khắc phục tình trạng này, một số người phải mua từng bình nước, thuê thợ đến khoan giếng, xin nước từ nhà hàng xóm,...Dù vậy, họ chỉ dám dùng nước đi mua/ đi xin để nấu ăn, việc tắm giặt vẫn sử dụng hoàn toàn bằng nước giếng khoan. 

Nhiều người than thở bị gặp các vấn đề về da như bị mẩn đỏ, nổi mụn li ti sau khi tắm nước giếng khoan. 

Chị T.K (Khu tập thể Xí nghiệp Thuốc thú y Trung ương, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) - cho biết, tình trạng này diễn ra thường xuyên khiến người dân đều ngán ngẩm, nhưng không biết kêu ai.

Khu nhà chị từ Tết đến nay không bơm được nước sạch lên bể. Các hộ gia đình phải dùng nước giếng khoan.

Chung bức xúc, chị H.Đ chia sẻ: "Công ty đưa ra đủ lý do, nào áp lực nước yếu, cần sửa chữa, bảo dưỡng. Điện, nước là thiếu yếu, không thiếu được. Vậy nên nếu không đủ năng lực để làm thì tôi đề nghị cần có đơn vị khác vào thay thế" - chị Đ nêu quan điểm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Hà - Giám đốc Công ty nước sạch Tây Hà Nội - cho biết, nguyên nhân cắt nước do nguồn nước chính không đủ cung cấp cho công ty để phân phối cho người dân. Lưu lượng nước đầu vào của công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà cấp cho đơn vị này bị sụt giảm nghiêm trọng. 

"Những ngày nắng nóng, chúng tôi cần 28.000 m3 nước/ngày đêm để đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Thế nhưng trên thực tế chúng tôi chỉ nhận được 22.000 m3/ngày đêm, thiếu hơn 20%.

Áp lực trong đường ống cũng quá yếu khiến cho nhiều khu dân cư ở cuối nguồn như tại xã Đức Thượng không có nước sử dụng, bởi thiếu áp lực để đẩy nước tới được khu vực này" - ông Hà cho biết. 

Ông Hà cho hay Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm bơm tăng áp Sơn Đồng để khoảng 1 tháng nữa sẽ có thể tăng áp lực bơm nước xuống cuối nguồn. Tuy nhiên, biện pháp lâu dài vẫn là phải tăng được nguồn cấp từ nhà máy nước sạch sông Đà.

Hệ thống lọc nước giếng khoan tại một hộ dân ở huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Khánh An 

Việc khởi kiện không khả thi

Theo Luật sư Quách Thành Lực - (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), việc các công ty cung cấp nước sạch không cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân trong mùa nắng nóng có nguyên nhân như mực nước nguồn xuống thấp, hạn hán. Đây là những nguyên nhân khách quan, bất khả kháng nên công ty cung cấp nước sạch được loại trừ trách nhiệm. 

Trường hợp đến từ nguyên nhân chủ quan do việc vận hành, bảo trì, nhân sự khiến tình trạng mất nước, chất lượng nước không đảm bảo thì công ty nước sạch có lỗi và phải chịu bồi thường tổn thất với người tiêu dùng. 

“Câu chuyện một vài cá nhân, hộ gia đình bị cắt nước vài hôm mà đi khiếu nại, khởi kiện về lí thuyết là có thể nhưng trên thực tế thì nó không khả thi. Do lợi ích bị mất, bị thiệt hại của người dân là rất nhỏ so với công sức, chi phí bỏ ra để đi khiếu nại hay khởi kiện” - Luật sư Lực cho hay. 

Theo Luật sư Lực, hiện nay cách thức phổ biến để hạn chế tình trạng cắt nước ảnh hưởng đến đời sống nhân dân là uỷ ban nhân dân các cấp ra các công văn, yêu cầu, đề nghị các công ty nước sạch phải đảm bảo nguồn cung nước cho người dân trong mùa nắng nóng. 

“Thế độc quyền cũng là một nguyên nhân khiến chất lượng phục vụ của các công ty nước sạch chưa đáp ứng được mong muốn người dân. Chỉ khi nhiều công ty tư nhân tham gia thị trường cung cấp nước sạch thì mới có thể đảm bảo hoạt động kinh doanh vận hành theo cơ chế thị trường. 

Khi có sự cạnh tranh, khách hàng có nhiều lựa chọn thì tất yếu các đơn vị kinh doanh sẽ phải có giải pháp hạn chế tình trạng không cung cấp đủ nước tới người tiêu dùng” - vị luật sư nêu quan điểm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn