MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bãi xe Hà Cầu (quận Hà Đông, Hà Nội) - điểm giữ các phương tiện vi phạm giao thông. Ảnh: Đặng Tiến

Người dân còn thờ ơ với bảo lãnh phương tiện vi phạm

Việt Dũng LDO | 06/06/2020 10:30
Nghị định 31 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1.5 có quy định về việc tổ chức, cá nhân có phương tiện vi phạm giao thông bị tạm giữ muốn được quản lý thì nộp tiền bảo lãnh. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng nghị định đi vào cuộc sống, chưa có trường hợp nào tham gia nộp tiền bảo lãnh để quản lý phương tiện vi phạm.

Người dân chưa “mặn mà” với bảo lãnh phương tiện

Theo Điều 14, Nghị định 31 có quy định: Giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản. Điều 15 về đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ theo thủ tục hành chính. Theo đó, tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện.

Tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh cho người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện. Mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm. Trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm.

Để được đặt tiền bảo lãnh xe vi phạm giao thông, người lái xe phải tiến hành: Làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền tạm giữ đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện. Cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản không quá 2 ngày làm việc. Nghị định trên có hiệu lực từ ngày 1.5.2020.

Số phương tiện vi phạm giao thông, bị tạm giữ hiện là bài toán “đau đầu” với lực lượng chức năng. Chỉ tính riêng nửa tháng tuần tra, kiểm soát giao thông toàn quốc, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - C08, Bộ Công an đã tạm giữ hơn 30.000 phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, một cán bộ C08 cho hay, từ ngày Nghị định 31 đi vào thực tiễn, đến nay, cục chưa có báo cáo hay tổng kết nào về việc có tổ chức, cá nhân đứng ra nộp tiền để bảo lãnh phương tiện vi phạm.

Một cán bộ PC08, Công an Hà Nội cũng cho Lao Động biết, đến nay, chưa có báo cáo ghi nhận trường hợp nào đặt tiền bảo lãnh để quản lý phương tiện, từ các đội trong đơn vị.

Những bất tiện của việc bảo lãnh

Theo ông Nguyễn Minh Long - Công ty Luật TNHH Dragon (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho đến giờ chưa ghi nhận trường hợp nào chủ sử dụng phương tiện đứng ra bảo lãnh phương tiện thì một trong những nguyên nhân là vì sự bất tiện của quy định mới này.

Ông Long lý giải, thông thường người vi phạm bị tạm giữ xe chờ giải quyết có tâm lý phải giải quyết nhanh gọn để lấy được xe vi phạm về sớm nhất có thể. Trong khi đó, Nghị định 31 quy định về việc cho bảo lãnh phương tiện như sau: Trong thời hạn không quá 2-3 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị, cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ phải xem xét, quyết định việc giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm, bảo quản... Tuy vậy, trên thực tế, thời gian có thể kéo dài hơn quy định sẽ gây cản trở lớn cho các chủ phương tiện xe. 

Ngoài ra, khi nộp tiền bảo lãnh xe, họ còn phải đáp ứng các điều kiện của luật định và thực hiện các thủ tục giấy tờ mà theo đánh giá của luật sư là không đơn giản với người dân. Do đó, dẫn đến tâm lý “ngại” và hình thức bảo lãnh này không được áp dụng trong thực tiễn.

Cán bộ của C08 cũng nhìn nhận, có thể nghị định trên “chưa đến được với người dân”, hoặc thủ tục đặt tiền bảo lãnh theo nghị định còn rườm rà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn