MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đàn khỉ bị người dân xua đuổi lên núi sau khi xuống nhà họ phá phách. Ảnh: Thanh Chung

Người dân đảo Cù Lao Chàm lao đao vì khỉ

Thanh Chung LDO | 16/03/2021 07:11
Môi trường sống bị thu hẹp, nguồn thức ăn thiếu nhưng số lượng liên tục gia tăng nên khỉ thường xuyên xuống nhà dân ở đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) phá phách, tìm kiếm thức ăn. Việc này gây không ít phiền toái cho các hộ dân ở đảo, đặc biệt các hộ dân buôn bán và rất dễ xảy ra sự xung đột giữa người và khỉ.

Người dân lao đao vì khỉ

Khoảng 3 năm trở lại đây, cuộc sống hàng chục hộ dân ở khu xóm Mới (thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam) bị đảo lộn bởi khỉ từ trên núi liên tục tràn xuống tìm thức ăn.

Anh Phạm Minh Vương (tổ 4 thôn Bãi Làng) cho biết, trước tình trạng khỉ liên tục xuống nhà anh để tìm kiếm thức ăn. Để phòng ngừa, tất cả cửa sổ, lỗ thông gió nhà anh Vương đều được bịt lại bằng lưới sắt. Dù thời tiết nóng bức cũng buộc phải được đóng chặt cửa nhà hoặc có người thay phiên nhau canh. Sơ hở là bầy khỉ lập tức tràn vào nhà lục lọi.

“Nhà của tôi thường xuyên bị khỉ nhảy xuống phá phách. Đóng kín cửa thì khỉ leo lên mái nhà phá phách làm bể ngói. Mùa hè thì không có gì chứ mùa mưa thì bão, gió thì sẽ bị dột nước. Không những vậy, khỉ còn chạy, quậy phá cả ngày lẫn ban đêm. Đặc biệt, người dân rất lo khỉ tấn công trẻ con nếu chúng không tìm thấy thức ăn” - anh Vương chia sẻ.

Ông Lê Ngọc Quang ở xã đảo Tân Hiệp, Cù Lao Chàm, Quảng Nam cho biết, hiện nhiều gia đình không dám thờ cúng trái cây, vài nhà phải lắp đặt cửa sắt cho khóm thờ, trang thờ đề phòng khỉ. Trước đây, muốn đi đâu cũng không cần đóng cửa nhà, nhưng bây giờ thì khỉ phá còn hơn nạn trộm cướp. Đặc biệt, nhà ông Quang mở quán cà phê nên càng khổ sở hơn khi khỉ thường xuyên tới tìm thức ăn, nước uống.

Chưa có giải pháp lâu dài

Bà Phạm Thị Mỹ Hương - Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho hay, chính quyền địa phương đã khuyến cáo nhân dân, không tỏ ra thân thiết, gần gũi quá nhiều với khỉ, đặc biệt là không cho thức ăn để giảm bớt sự tương tác.

“Chúng tôi cũng đã có kiến nghị với Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyền thế giới Cù Lao Chàm để có những chương trình, hoặc mời các chuyên gia về để đánh giá về số lượng loài cũng như về lượng thức ăn trên rừng… để tính toán giải pháp sát thực. Đồng thời, có biện pháp khoanh vùng bảo vệ khỉ tránh gây xung đột với người” - bà Hương nói.

Theo số liệu khảo sát trước đây, khỉ trên đảo Cù Lao Chàm là loài khỉ vàng, tên gọi quốc tế Macaca Mulatta, có khoảng 8 đàn với hàng trăm cá thể. Do đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, nên khỉ và một số loài khác như chim yến, tê tê… đều được bảo vệ nghiêm ngặt nên số lượng khỉ gia tăng đáng kể. Nguồn thức ăn khan hiếm cùng với việc xây dựng nhiều công trình trên đảo Cù Lao Chàm đã khiến môi trường sống của khỉ bị thu hẹp.

Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam cho hay, giải pháp trước mặt là tìm cách xua đuổi, chung sống với đàn khỉ. Về lâu dài, ngành sẽ đề nghị thành phố Hội An nghiên cứu mời các đơn vị tư vấn có chuyên môn để xây dựng dự án trồng các loài cây thức ăn cho khỉ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn