MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân làm lễ ở đền Ngư Uyên sáng mùng 1 Tết. Ảnh: Phạm Đông

Người dân đội mưa phùn trong giá rét đi lễ chùa đầu năm cầu may

Phạm Đông LDO | 25/01/2020 11:03
Sáng mùng 1 Tết, thời tiết Hải Dương đột ngột chuyển mưa nhưng nhiều người vẫn che dù, mặc áo mưa đi lễ chùa đầu năm.

Tết đến xuân về là điểm khởi đầu cho một năm mới với nhiều mong ước, khát vọng mới tốt đẹp. Và vào dịp đầu xuân năm mới, người Việt Nam thường có phong tục đi lễ chùa và xin lộc đầu năm. Phong tục này đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt Nam.

Theo quan niệm của mỗi người, cửa chùa là chốn bình yên, thanh tịnh. Do vậy cứ vào sáng sớm mùng 1 Tết, nhiều gia đình lại cùng nhau đi lễ chùa cầu chúc một năm mới an lành, nhiều may mắn. 

Người dân xếp hàng chờ làm lễ.

Ngay từ sáng sớm người dân đã đến ngôi đền có niên đại hàng trăm tuổi (toạ lạc trên địa bàn phường Long Xuyên, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) lễ bái, cầu may mắn và phúc lộc trong năm mới.

Theo sử sách ghi chép lại đền Ngư Uyên xây dựng vào thế kỷ 15 (1677) thờ 7 vị danh tướng cùng là anh em ruột của gia đình họ Phạm (có 1 người là nữ), đã có công giúp vua Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh. Với những công trạng hiển hách, khi 7 anh em họ Phạm mất, vua Lê Thái Tổ đã ban sắc phong cho 7 vị danh tướng và cấp tiền xây dựng đền thờ ở thôn Ngư Uyên.

Về địa thế, đền Ngư Uyên được xây dựng trên khu đất cao ráo gần đầm Ngư, bên sông Kinh Môn. Đền được công nhận di tích cấp Quốc gia ngày 2.3.1990.

Người dân đăng ký làm lễ.

Cùng đi làm lễ vào buổi sáng sớm, anh Nguyễn Văn Dũng (26 tuổi, sống tại Khu dân cư Ngư Uyên) cho biết, việc đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ là để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh.

Về nơi cửa chùa, đất phật, giữa không gian thanh tịnh, mùi khói nhang sẽ giúp mọi người cảm thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn.

Nhiều người quan niệm, dù trời mưa hay nắng nhưng khi đã tới chùa thì đều nên thắp nén hương, cầu khấn sự bình an cho cả gia đình.

Việc hành lễ đơn giản hơn, đầu năm đi lễ chùa mọi người thường đem theo đồ lễ đơn giản, chỉ là hoa quả và đồ mặn (xôi thịt). Lời khấn cũng đơn giản, không câu nệ văn vẻ. Người lên chùa ước gì thì cầu đó, không nhất thiết phải dùng sớ bằng chữ nho. Cách khấn như thế người ta hay gọi là khấn nôm. Lễ xong, người đi lễ thường góp tiền công đức, viết giấy mang về làm lộc đầu năm. 

Theo Trưởng ban Quản lý đền Ngư Uyên, từ 2 năm nay đền được tu tạo và sửa chữa nên rất khang trang. Những trang thiết bị, cơ sở vật chất cũng được chuẩn bị đầu đủ để dịp tới  (15.1 âm lịch) tổ chức lễ hội tốt hơn để mọi người lễ bái và du xuân cùng gia đình.

Người dân đổ về đền Ngư Uyên làm lễ ngày một đông dù trời đổ mưa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn