MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉnh Thanh Hóa triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người nghèo tại các bản làng ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Ảnh: Quách Du

Người dân giảm nghèo bền vững nhờ được trao cần câu

Vĩnh Hoàng LDO | 04/11/2023 13:07

Nhận thấy một trong những hướng đi để giảm nghèo bền vững chính là phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để giảm nghèo.

Nhớ về thời gian 2 năm trước, anh Nguyễn Văn Nam (45 tuổi, bản Lửa, Yên Nhân, Thường Xuân, Thanh Hóa) lại không cầm được nước mắt.

"Trước đây gia đình tôi là hộ nghèo lâu năm, không lo đủ tiền ăn chứ đừng nói đến phát triển kinh tế để thoát nghèo. May mắn, từ khi tỉnh xây dựng mô hình kinh tế, nuôi ong lấy mật và nuôi dúi cho bà con, kinh tế gia đình tôi đã phát triển và thoát nghèo thành công", anh Nam nói.

Tương tự, gia đình chị Phùng Thị Quý (50 tuổi, xã Cẩm Thành, Cẩm Thủy) cũng là một trong những hộ được hưởng lợi từ chương trình mô hình giảm nghèo tại địa phương.

“5 năm về trước, việc thoát nghèo của gia đình tôi tưởng chừng như rất xa vời, bởi đất sản xuất ít; ngoài làm nông, hai vợ chồng không có việc làm thêm, khó khăn lại chồng chất khó khăn.

Thế rồi được hội nông dân, hội phụ nữ xã đứng ra tín chấp, gia đình tôi được vay vốn phát triển chăn nuôi, lại được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do xã, huyện tổ chức. Cùng với việc tham khảo kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi trong xã, tôi đã có thêm kiến thức để áp dụng vào thực tiễn chăn nuôi của gia đình", chị Quý nói.

Chị Quý cho biết, đến nay, ngoài trâu bò, gia đình còn nuôi thêm lợn, gà, vịt; vừa phát triển chăn nuôi, vừa chú ý vệ sinh chuồng trại, phòng trừ dịch bệnh. Hiện nay, đàn lợn, gà phát triển ổn định cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.

"Đến năm 2020, gia đình tôi chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo của thôn", chị Quý nói.

Người dân xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá thoát nghèo nhờ khai thác vầu. Ảnh: Nguyễn Trường

Bản Lửa (xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) có 144 nhân khẩu, nhưng có đến 50% số hộ là người nghèo. Đây là bản đặc biệt khó khăn, người dân ít nương rẫy, bà con sống sát vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nên không có nguồn sinh kế.

Để giúp người dân giảm nghèo, tỉnh Thanh Hoá đã xây dựng mô hình kinh tế nuôi ong lấy mật và nuôi dúi cho 30 hộ dân để giúp bà con phát triển kinh tế, giảm nghèo. Kết quả, đã có hàng chục hộ dân thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ kinh tế khá giả.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh triển khai thực hiện 222 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng kinh phí thực hiện trên 102 tỉ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 66 tỉ đồng, vốn đối ứng địa phương 283 triệu đồng, vốn đối ứng của hộ tham gia mô hình trên 35 tỉ đồng.

Kết quả, toàn tỉnh đã triển khai được 47 mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo Chương trình 30A, 16 mô hình tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, 65 mô hình trên địa bàn các xã thuộc Chương trình 135 và 94 mô hình trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30A, Chương trình 135, với hàng nghìn hộ là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; trong đó ưu tiên hộ có chủ hộ là nữ, hộ là người dân tộc thiểu số được tham gia.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hoá Trần Văn Hùng, thành công lớn nhất của các dự án giảm nghèo là thực hiện việc góp vốn đối ứng, quy định thu hồi và luân chuyển vốn cho người nghèo. Qua đó, góp phần thay đổi ý thức của hộ nghèo, giúp họ tự lực vươn lên làm kinh tế.

Bên cạnh đó, dự án còn thành công ở việc luân chuyển nguồn vốn để tiếp tục nhân rộng hoặc triển khai mô hình giảm nghèo ở các địa bàn khác qua đó giúp nhiều người nghèo được tiếp cận với các mô hình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn