MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người dân giao nộp vũ khí để góp phần giúp thôn, buôn bình yên hơn

BẢO TRUNG LDO | 11/08/2023 15:50

Đắk Lắk- Việc người dân ở khắp các địa bàn tại tỉnh Đắk Lắk tự nguyện giao nộp vũ khí giúp cho tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, thôn buôn sinh sống được bình yên hơn.

Giúp thôn buôn yên bình hơn

Chị Lương Thị Hiện, xã Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, cho biết: "Chồng tôi có khẩu súng tự chế làm kỷ niệm, đã cất giữ hơn 10 năm nay. Sau khi được lực lượng Công an địa phương tuyên truyền, vận động, gia đình tôi tự nguyện đem ra giao nộp. Đây là việc làm tự nguyện và chúng tôi xem như trách nhiệm phải làm để góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn sau sự kiện nổ súng xảy ra hôm 11.6 tại địa bàn huyện Cư Kuin".

Người dân ở xã Ea Bung đến trụ sở cơ quan chức năng giao nộp vũ khí tự chế. Ảnh: Bảo Trung

Hay như anh Bùi Văn Hiếu (trú ở khu vực trên) đã hơn 10 năm nay lưu giữ khẩu súng tự chế trong nhà để phòng những lúc bất trắc đem ra sử dụng phòng thân. Nhưng rồi được cơ quan chức năng vận động, anh Hiếu cũng đã giao nộp cho lực lượng công an. Anh tự cảm nhận được đây là việc nên làm góp phần giúp lực lượng Công an quản lý tốt hơn tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Sau khi bà con trong xã phần lớn đã giao nộp vũ khí cho lực lượng Công an, cả anh Hiếu lẫn chị Hiện đều chung cảm giác nhẹ nhõm, an lòng. Bởi, việc lưu giữ vũ khí súng tự chế trong nhà dù với bất kỳ lý do gì thì đều là việc làm sai trái. Các thôn, buôn từ đó cũng bình yên hơn, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ nổ súng, thanh toán lẫn nhau.

Việc giao nộp vũ khí là trách nhiệm phải làm. Ảnh: Bảo Trung

Ông Ma Su, một người cao tuổi có uy tín với người dân bản địa, trú ở buôn Hàng 1C, xã Ea Uy, huyện Krông Pắk nói: "Nghe lời lực lượng chức năng vận động, tôi đã mang cây súng săn của mình tàng trữ, sử dụng lâu nay đến Công an xã Ea Uy để giao nộp. Sau khi giao nộp khẩu súng săn cho Công an, tôi có cảm giác như trút bỏ được gánh nặng trong lòng bao lâu nay.

Tôi đã nhận thức được sự nguy hiểm của việc sử dụng súng. Súng để ở nhà con cháu cầm vào rất nguy hiểm. Tôi khuyên bà con nên giao nộp vũ khí cho cơ quan Công an để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn trên".

Vẫn có sự hỗ trợ cho bà con

Được biết, ở vùng sâu, vùng xa của Đắk Lắk, trước đây, bà con thường có thói quen tự chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ để săn bắn, đi rừng. Nhiều người còn giữ lại làm kỷ niệm. Do đó, trong cộng đồng dân cư còn nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, khi được lực lượng công an tuyên truyền, người dân đã tự nguyện giao nộp, đổi vũ khí lấy gạo hoặc thực phẩm. Số vũ khí thu hồi đều hết sức nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ việc mất an ninh trật tự.

Thượng tá Lý Văn Kết - Trưởng Công an huyện Ea Súp, Công an tỉnh Đắk Lắk - cho biết: "Hơn 1 tháng qua, chúng tôi đã tham mưu cho Huyện uỷ, UBND huyện đặt các điểm thu hồi vũ khí, công cụ hỗ trợ tại xã để thu gom vũ khí, vật liệu nổ, đổi gạo đổi mì tôm cho bà con. Qua đó, lực lượng chức năng tuyên truyền từng thôn buôn, ký cam kết về thu hồi vũ khí, nếu không giao nộp thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Sau khi giao nộp vũ khí, người dân nhận được sự hỗ trợ về lương thực từ cơ quan chức năng. Ảnh: Bảo Trung

Sau khi mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và đấu tranh với tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, chỉ trong 40 ngày (từ 12.6 đến 20.7.2023), Công an tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi được hơn 4.500 vũ khí (trong đó có gần 1.300 súng các loại, gần 2.700 viên đạn), trên 5kg đạn chì, cùng nhiều vật liệu nổ khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn