MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người nông dân ở Đắk Lắk hối hả thu hoạch trái cà phê đang đến độ chín. Ảnh minh hoạ: T.X

Người dân gửi gắm tâm tư đến lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk trong năm Tân Sửu 2021

BẢO TRUNG LDO | 12/02/2021 07:00

Bước sang năm Tân Sửu 2021, tầng lớp trí thức, nhân dân tỉnh Đắk Lắk gửi gắm nhiều tâm tư, trăn trở đến lãnh đạo tỉnh nhà và mong họ có những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ nhằm đưa địa phương phát triển hơn nữa về kinh tế - xã hội, du lịch, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bà con.

Tỉnh Đắk Lắk vừa trải qua một năm 2020 đầy biến động với thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên miên. Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk đã đoàn kết một lòng để cùng nhau đi từ thắng lợi này đến thành công khác, tăng trưởng kinh tế được giữ ở mức ổn định, hoàn thành hàng loạt chỉ tiêu quan trọng, trật tự an ninh xã hội được giữ vững... Bước sang năm mới Tân Sửu 2021, tầng lớp trí thức, nhân dân Đắk Lắk gửi gắm nhiều tâm tư trăn trở đến lãnh đạo tỉnh nhà nhằm đưa địa phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn đến.

TS. Nguyễn Thị Ngọc Quyên, giảng viên khoa Nông Lâm Nghiệp (Trường Đại học Tây Nguyên) tâm sự: Tỉnh cần xem xét nghiên cứu hệ thống cây trồng (nông sản, trái cây) chủ lực của địa phương và phải thích ứng được với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay. Bởi, người nông dân đang liên tục chuyển đổi cây trồng, sau quá trình sản xuất thì không tìm được bài toán đầu ra cho sản phẩm. Song song với đó, cần tìm thị trường đầu ra tiềm năng cho người nông dân yên tâm lao động sản xuất, không phải bị thương lái o ép giá cả.

Ngoài ra, tỉnh cũng cần có chính sách bảo vệ rừng một cách hợp lý. Việc lâm tặc chặt, phá rừng tự nhiên tuy nguy hại nhưng không bằng việc để cho các dự án lớn đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Tỉnh nên có chế tài xử lý, giải pháp cụ thể để quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án kể trên để đảm bảo rừng không bị xâm hại, giảm sút về diện tích.

Còn bà Trần Thị Minh Lý - Trưởng Phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTBXH Đắk Lắk) thì mong tỉnh có thể thu hút, huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế xã hội để tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động ở địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Tập trung chỉ đạo các phòng, ban chức năng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, UBND xã, phường và thị trấn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm và các chính sách ưu đãi của Nhà nước hỗ trợ về đào tạo nghề, tạo việc làm. Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, cản trở các cơ sở, doanh nghiệp, đơn vị tư vấn, tuyển dụng lao động, tuyển sinh học nghề.

Ông Lê Hoàng Cơ - Giám đốc Công ty TNHH đầu tư du lịch và thương mại Đam San (DAMSAN TOURIST) đề xuất: "Tỉnh phải tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh; qua đó tìm cách làm ra nhiều sản phẩm du lịch ở địa phương để tạo ra điểm nhấn. Hiện, các thủ tục xin đầu tư, quy trình cấp phép để các nhà đầu tư hoạt động ở Đắk Lắk vẫn đang còn khá chậm chạp.

Lãnh đạo tỉnh cần có phương án bảo vệ rừng bền vững; quy hoạch các điểm kết nối với rừng để phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng thân thiện với thiên nhiên. Tuy nhiên, Đắk Lắk vẫn chưa có địa điểm nào được quy hoạch một cách bài bản như vậy để thu hút nhà đầu tư".

Đắk Lắk đang quy hoạch rất nhiều điểm du lịch nhưng không có nhà đầu tư nào chịu rót vốn vào vì cảm thấy không phù hợp dù chính quyền đã bỏ không ít tiền của vào các khu vực đó. Vì lẽ đó, tỉnh phải kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư góp ý vào dự thảo, sách lược quy hoạch các địa điểm du lịch trước khi bắt tay thực hiện để mang lại tính khả thi, ông Cơ nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn