MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuộc sống người dân đảo lộn vì không có nước sạch sinh hoạt để sử dụng. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Người dân Hà Nội dậy từ 2 giờ sáng để canh bơm từng giọt nước sạch vào bể

VĨNH HOÀNG - KHÁNH AN LDO | 27/07/2023 12:11

Hà Nội - Mất nước sạch sinh hoạt liên tục trong 3 tháng trở lại đây, nhiều người dân tại Hoài Đức, Hà Nội phải đặt báo thức lúc 2-3h sáng để canh bơm nước vào bể. Song song với đó, họ phải quay trở lại dùng nước giếng khoan.

This browser does not support the video element.

Người dân nói về tình trạng mất nước suốt 3 tháng. Video: Khánh An

Suốt 3 tháng nay, cứ đúng 2h sáng, ông Trần Quang Sắc (thôn Cao Xá, xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) lại lọ mọ di chuyển từ nhà xuống dưới khu vực bếp để bật máy bơm nước sạch vào bể. Thế nhưng, lần nào cũng vậy, sau khi bật máy bơm, ông lại phải tắt đi vì không có giọt nước nào.

Ông Sắc cho biết, cách đây khoảng 3-4 năm, người dân nơi đây vui mừng vì có nước sạch về làng. Trong 3 tháng đầu tiên dùng nước sạch, nước chảy đều, đủ để cả gia đình sử dụng. Thế nhưng khoảng thời gian sau đó, nước chảy chậm hơn, gia đình ông phải lắp thêm 1 máy bơm nước vào bể chứa để thuận tiện cho việc sử dụng.

Từ tháng 4.2023 đến nay, nhà ông hoàn toàn không có nước sạch để sử dụng.

“Thật may là gia đình tôi chưa đập bỏ giếng khoan. Từ ngày mất nước, vợ chồng tôi phải mua một xe cát về thiết kế lại bể lọc để có nước sinh hoạt sử dụng” – ông Sắc nói.

Ông Sắc cho biết, người dân khu vực này đều truyền tai nhau rằng, nếu bơm nước vào ban đêm, tỷ lệ nước sạch chảy vào bể sẽ cao. Thế nhưng đến nay, sau 3 tháng, ông Sắc vẫn chưa một lần bơm được nước sạch vào bể.

“Nhà tôi có 7 người, trong đó có 3 cháu nhỏ. Nước giếng khoan dù sau nhiều lần lọc vẫn có màu vàng, mùi tanh nên tôi rất lo lắng cho sức khoẻ của con cháu. Hy vọng sớm có nước sạch để sử dụng” – ông Sắc nói.

Gia đình ông Sắc phải khôi phục lại hệ thống bể lọc cũ. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Ông Hoàng Ngọc Việt – hàng xóm của ông Sắc cũng thường dậy lúc 3h sáng để hút nước lên bể. “Khi người ta ngủ thì mình lại phải dậy canh từng giọt nước. Ngày nào may mắn thì bơm được khoảng 15 phút – 1 tiếng vào bể, còn có ngày không bơm được giọt nào” – ông Việt nói.

Ông Việt cho biết, năm 2020, khi xây nhà mới, vì yên tâm đã có nước sạch sử dụng nên gia đình ông đập bỏ hệ thống giếng khoan. Những ngày này, khi bị mất nước, nhà ông phụ thuộc chủ yếu vào nước mưa và đi xin nước giếng khoan của nhà hàng xóm.

“Nhà tôi có 2 vợ chồng nên không dùng quá nhiều nước. Khi nào hết nước, 2 vợ chồng tôi lại đi xin nước hoặc đi tắm nhờ” – ông Việt nói, ngao ngán nhìn vào hoá đơn tiền nước lần gần nhất nhận được vào ngày 13.4.2023.

Người dân thường dậy từ 2-3h sáng để canh bơm nước vào bể. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Còn tại nhà anh Ngô Văn Bình (thôn Cao Xá, xã Đức Thượng), cứ tối đến, 4 người trong gia đình lại “di cư” lên nhà mẹ anh – cách nhà anh 300m. Việc này đã diễn ra suốt 3 tháng nay.

Anh Bình cho biết, ban ngày, 4 người trong gia đình anh sử dụng hoàn toàn bằng bình nước đi mua (trung bình cứ 3 ngày lại hết 1 bình). Còn tối đến, việc tắm rửa, giặt quần áo sẽ được thực hiện tại nhà mẹ anh.

“Hồi mới xây nhà, tôi chủ quan nghĩ có nước sạch rồi thì không cần khoan giếng. Đến bây giờ khi bị mất nước, nhà tôi không có nước đến sử dụng. Có những ngày may mắn bơm được nước sạch lên bể, nhưng cũng chỉ rất ít” – anh Bình nói.

Trong khi đó, nhà mẹ anh Bình hiện cũng đang bị mất nước, mọi sinh hoạt đều sử dụng hoàn toàn bằng nước giếng khoan và nước mưa.

Trong kế hoạch bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè năm 2023 trên địa bàn TP Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tổng nhu cầu sử dụng trung bình trên địa bàn Hà Nội hiện khoảng 1.150.000-1.250.000m3/ngày - đêm. Với nhu cầu sử dụng nước sạch tăng 5-10%, tổng mức tiêu thụ nước sạch sẽ khoảng 1.250.000-1.350.000m3/ngày - đêm. Như vậy, tổng công suất cấp nước 1.530.000m3/ngày - đêm cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trong phạm vi cung cấp của hệ thống.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng cho biết, khả năng phân phối nước vẫn chưa đồng bộ với nhu cầu sử dụng nước, đặc biệt tại địa bàn cấp nước của Công ty cổ phần Viwaco (khu vực quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông) đang sử dụng phần lớn nguồn nước mặt sông Đà (khoảng 170.000-180.000m3/ngày - đêm). Do đó, khi nhu cầu sử dụng nước tăng cao, công suất cấp nước không đáp ứng lúc cao điểm hoặc xảy ra sự cố đường ống, gần như toàn bộ địa bàn các quận trên bị ảnh hưởng.

Sở Xây dựng nhận định, các địa bàn khác sử dụng nguồn nước sạch sông Đà như khu vực dọc Đại lộ Thăng Long, các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức cũng có thể rơi vào tình trạng này nếu đường ống nước sạch Đà gặp sự cố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn