MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Người dân Hà Nội thả cá tiễn ông Công ông Táo về trời

Phạm Đông - Hữu Chánh LDO | 14/01/2023 11:51

Sáng 14.1 (ngày 23 tháng Chạp) là ngày đưa ông Công ông Táo về trời. Nhiều người dân ở Hà Nội thức dậy từ sớm đi chợ truyền thống, mua cá chép về cúng ông Công ông Táo.

Theo tín ngưỡng dân gian, việc cúng ông Công ông Táo là dịp để các gia đình tiễn ''thần bếp'' lên chầu trời, báo cáo việc bếp núc, làm ăn, cư xử... của gia đình trong năm đó. Cá chép phải được thả trước giờ Ngọ (12 giờ ngày 23 tháng Chạp). Đây là một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam được lưu truyền trong dân gian từ nhiều đời nay.

Cá chép được bán với số lượng lớn tại chợ cá Yên Sở. Ảnh: Phạm Đông

Ngay từ sáng sớm, người dân đã đi chợ, sắm sửa lễ cúng ông Công ông Táo. Bà Nguyễn Thị Dương, chủ cửa hàng bán đồ trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, năm nay, các mặt hàng vàng mã phục vụ lễ cúng ông Công ông Táo khá đa dạng, mẫu mã đẹp, giá cả lại không tăng so với mọi năm.

Cụ thể giá 120.000 đồng/cặp táo quân và giao thừa cỡ nhỏ, 140.000 đồng/cặp táo quân và giao thừa cỡ to; 190.000 đồng/cặp táo quân và giao thừa cỡ đại, vàng tiền 10.000 đồng/đinh, vàng hoa giá từ 80.000 - 120.000 đồng/cây.

Người dân đến thả cá tại điểm 37 Trích Sài, Hồ Tây. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Giá gà sống tại các chợ dân sinh hiện ở mức 120.000 – 130.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá gà mái ở mức thấp hơn khoảng 110.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với những ngày trước đó.

Hoa tươi cũng là mặt hàng khá đắt khách, giá hoa cũng tăng hơn so với năm trước một chút, vì năm nay thời tiết khắc nghiệt ít mưa nên hoa nở sớm.

Có gia đình thả phóng sinh 1 thau cá. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Chị Đinh Thúy Hằng, ở Lạc Long Quân (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, gia đình cúng ông Công ông Táo đúng ngày với mong muốn một năm mới may mắn, an khang thịnh vượng. Năm nay, các mặt hàng vàng mã phục vụ lễ cúng ông Công ông Táo rất đẹp mà giá cả lại phải chăng, cá chép cũng vậy.

Bên cạnh đồ cúng vàng mã, cá chép cũng là vật không thể thiếu trong ngày lễ này. Từ ngày 13-14.1 (tức 22-23.12 âm lịch), không khí tại chợ cá Yên Sở nhộn nhịp, tấp nập "người mua kẻ bán", rực rỡ sắc đỏ vàng khắp chợ.

Người dân thả cá giữ lại túi nilon bảo vệ môi trường. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Cũng từ sáng sớm, nhiều người dân đến các địa điểm quen thuộc ở Hà Nội như Hồ Tây, Công viên Cầu Giấy, cầu Long Biên… để thả cá tiễn ông Công ông Táo về trời.

Do năm nay 23 tháng Chạp vào ngày cuối tuần nên phần lớn người dân làm lễ cúng đúng ngày. Trước những ngày chính lễ (21 và 22 tháng Chạp) lượng người đi phóng sinh ít hơn.

Người dân đến Công viên Cầu Giấy thả cá chép. Ảnh: Hữu Chánh

Tại mỗi điểm thả cá, hầu hết đều có những panô và người nhắc nhở người dân bảo vệ môi trường.

Sau khi cúng xong, những con cá được mang đi thả, vừa là để ông Táo có vật cưỡi về trời, vừa mang ý nghĩa phóng sinh.

Với người dân, khoảnh khắc thả cá chép xuống nước ngày ông Công ông Táo về trời thường mang nhiều cảm xúc đặc biệt, báo hiệu chuẩn bị kết thúc năm cũ, bắt đầu cho năm mới.

Cá khỏe mạnh được thả phóng sinh xuống hồ. Ảnh: Hữu Chánh
Người dân thổi ôxy cho cá chép. Ảnh: Hữu Chánh
Sau khi thả cá, người dân bỏ rác vào thùng để bảo vệ môi trường. Ảnh: Hữu Chánh

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn