MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công viên khu đô thị Việt Hưng, đối diện trụ sở Quận ủy, HĐND, UBND quận Long Biên.

Người dân khát chỗ vui chơi, công viên trăm tỉ lại... bỏ hoang

HỮU CHÁNH LDO | 29/07/2022 07:19

Hà Nội - Trong khi người dân Thủ đô đang thiếu không gian công cộng, nơi vui chơi thì hàng loạt công viên lớn của Hà Nội lại "đắp chiếu" bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm.

Loạt công viên "đắp chiếu", chưa hẹn ngày về đích

Công viên khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, TP. Hà Nội nằm trên phố Đoàn Khuê - Vạn Hạnh, đối diện trụ sở Quận ủy, HĐND, UBND quận Long Biên, do Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị đầu tư các hạng mục cây xanh, vườn hoa... với diện tích hơn 157.000 m2.

Dự án đã được bàn giao cho UBND quận Long Biên quản lý năm 2016. Từ thời điểm đó đến nay, công viên bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được nâng cấp, sửa chữa.

Ghi nhận của phóng viên, từ bên ngoài khu đô thị Việt Hưng, khó có thể nhận ra một công viên phía bên trong bởi cỏ cây tốt cao quá đầu người, bên trong cỏ lau mọc tràn lối đi.

Lùm cỏ dại cao quá đầu người bủa vây lối đi.

Do bỏ hoang thời gian dài, một số hộ dân dựng lều bạt khá kiên cố để trồng rau, chăn nuôi, chăm sóc cây cảnh,... ngay trong công viên. 

Một số khu vực ven hồ cũng được người dân tận dụng để mở hàng quán bán nước. Hồ điều hòa của công viên thì trở thành điểm đến của các "cần thủ" câu cá vào nhiều khung giờ trong ngày.

Một số hạng mục như lan can đã hoen gỉ, xập xệ, nghiêng ngả. Bờ kè bị sụt lún, xuống cấp nghiêm trọng.

Bà Nguyễn Thị Nhàn (60 tuổi, Việt Hưng, Long Biên) cho biết, dù đã sống ở đây nhiều năm, chiều nào cũng đi bộ qua nhưng chưa một lần đặt chân vào công viên.

"Công viên to như thế mà bỏ hoang thì rất lãng phí, trong lúc người dân, đặc biệt là các cháu nhỏ đều rất mong chờ công viên được cải tạo, nâng cấp để có không gian vui chơi, giải trí", bà Nhàn nói.

Nhiều hạng mục hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Đại diện UBND quận Long Biên cho biết, việc công viên Việt Hưng hoang hóa nhiều năm đã được người dân khu vực kiến nghị nhiều lần. UBND quận đã có kế hoạch cải tạo nâng cấp công viên Việt Hưng với trở thành công viên mở.

Theo đó, gần như toàn bộ các hạng mục sẽ được cải tạo bao gồm tường rào, hệ thống kè, cổng, chiếu sáng, trồng cây và các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác.

Được biết, tổng vốn đầu tư cho công viên là hơn 70 tỉ đồng, dự kiến thực hiện từ năm 2020 - 2022. Tuy nhiên, đến nay dự án cải tạo vẫn chưa biết khi nào tiến hành.

"Dang dở" cũng là tình trạng của nhiều dự án công viên ở Hà Nội. 

Công viên Thiên văn học được dựng hàng rào bằng sắt, gỗ trông rất sơ sài. Ảnh: Nguyễn Long. 

Theo ghi nhận của PV, các hạng mục của công viên Thiên văn học phần lớn đã hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay công viên vẫn chưa một lần mở cửa và dần trở nên hoang phế. Cỏ cây mọc um tùm nhưng vẫn không có người đến chăm sóc cắt, tỉa.

Một dự án được quy hoạch là công viên quy mô lớn nhất Thủ đô với diện tích 100 hecta là Công viên Kim Quy (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh) do một tập đoàn lớn làm chủ đầu tư.

Dự án với tổng vốn khoảng 4.600 tỉ đồng, khởi công từ tháng 9.2016 và cam kết cuối năm 2018 đưa vào sử dụng giai đoạn 1, nhưng đến nay vẫn là khu đất trống.

Dự án Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông cũng trong tình trạng tương tự. Mặc dù đã có 52,8 hecta được giải phóng mặt bằng, nhưng đến nay, dự án bị đình trệ do không có nguồn vốn.


Phần đất trong công viên mọc lên nhiều nhà hàng, kho bãi, nhà xưởng, garage ôtô...

Hệ quả của việc thiếu chính sách lựa chọn chủ đầu tư

Trao đổi với Lao Động, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, hàng loạt đại dự án công viên bỏ hoang là "câu chuyện muôn đời, đến nay vẫn chưa có nhiều sự thay đổi".

Theo ông Nghiêm, các dự án công viên bỏ hoang hiện nay là hệ quả của việc thiếu chính sách, trình tự cụ thể về lựa chọn chủ đầu tư; chưa có hướng dẫn trường hợp nào thì đấu thầu, trường hợp nào được chọn chủ đầu tư, dẫn đến tình trạng nhiều chủ đầu tư không đủ tiềm lực, thực hiện dự án nửa chừng.

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, đây là một cuộc đổi chác bất bình đẳng khi một vài doanh nghiệp nhận để làm những công viên này có giá trị hàng tỉ USD để đổi lấy những khu đất vàng trong thành phố. Các khu đất vàng đó ngay lập tức được giao lại cho doanh nghiệp và trở thành các dự án bất động sản.

"Còn những công viên nằm ở ngoại ô như Kim Quy, Vân Trì,... trong quy hoạch được tô vẽ rất hay ho nhưng hầu như 10 năm trở lại đây, chúng ta hầu như chẳng có công viên nào được đưa vào sử dụng", ông Ánh nói.

Cổng khóa then cài, bên trong công viên Kim Quy vẫn chỉ là những bụi cây, bãi cỏ.

Hà Nội hiện có hơn 2.200 điểm vui chơi dành cho trẻ em, trong đó có 1.700 điểm vui chơi cấp phường, xã. Tuy nhiên, chưa nhắc tới việc lấn chiếm, sử dụng sai mục đích thì hơn 40% các điểm vui chơi này, hệ thống trang thiết bị đã quá cũ kỹ mà suốt nhiều năm chưa được cải tạo.

Trong khi đó, Hà Nội có đến hàng chục công viên, vườn hoa xây xong rồi bỏ hoang, "đắp chiếu" nằm im trong nhiều năm qua. Nghịch lý nơi thì thiếu chỗ chơi, nơi có nhưng bỏ hoang chưa biết bao giờ mới chấm dứt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn