MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điểm tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi bằng lái xe tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Ảnh: ĐT

Người dân không mặn mà với cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến - vì sao?

Đặng Tiến LDO | 21/05/2021 08:30

Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, trong đó kiến nghị chưa nhân rộng cấp, đổi giấy phép lái xe cấp độ 4 ra toàn quốc sau một thời gian triển khai do lượng người dân tham gia quá ít.

Khó khăn khi tiếp cận dịch vụ

Trước đó vào ngày 22.3.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2021. Bộ GTVT được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế mở rộng triển khai ra toàn quốc đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi giấy phép lái xe (GPLX) do ngành giao thông cấp. Khi hệ thống đi vào hoạt động ổn định và tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong quý III và IV/2020 và đã kết nối tích hợp dữ liệu với Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) về chia sẻ thông tin khám sức khỏe người lái xe, kết nối với Cục CSGT (Bộ Công an), kết nối với dữ liệu xử phạt của Thanh tra Giao thông về chia sẻ dữ liệu vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ… đảm bảo triển khai dịch vụ công mức độ 4 đổi và cấp mới GPLX cho người dân.

Tuy nhiên, đến nay số lượng hồ sơ đăng ký rất thấp. Do nhiều nguyên nhân, trong đó việc đăng ký trên cổng dịch vụ công có nhiều khó khăn dẫn đến việc công dân khi tiếp cận sử dụng dịch vụ và số lượng bệnh viện tham gia chưa nhiều. Theo đó, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an kết nối dữ liệu khám sức khoẻ, dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và cung cấp thí điểm dịch vụ công mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia từ ngày 1.7.2020 (phạm vi thí điểm tại thành phố Hà Nội và Hà Nam).

Khẳng định đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT tuyên truyền về lợi ích và triển khai dịch vụ công trực tuyến trên, tuy nhiên theo lãnh đạo Bộ GTVT, số lượng hồ sơ đăng ký đến hết tháng 4.2021 còn khá thấp. Nguyên nhân số lượng hồ sơ thấp là do việc hoàn trả tiền còn khó khăn; số lượng bệnh viện tham gia khám và cung cấp dữ liệu khám sức khoẻ trong giai đoạn thí điểm chưa nhiều.

Hơn nữa, kinh phí Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin triển khai thí điểm dịch vụ công trên là 162 triệu đồng/tháng và dự toán kinh phí thuê triển khai mở rộng là 542 triệu đồng/tháng. Để đảm bảo hiệu quả đầu tư đồng thời tạo điều kiện cho người dân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến nêu trên, Bộ GTVT đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chưa thực hiện triển khai mở rộng ra toàn quốc đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi GPLX do ngành Giao thông cấp.

Nhiều bất cập

Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện số lượng người đăng ký thực hiện đổi GPLX trên cổng dịch vụ công Quốc gia tại giai đoạn thí điểm có tỉ lệ rất thấp, tính đến hết tháng 2.2021 có số tài khoản truy cập (thao tác và xem) là 1.019; số hồ sơ cấp mới là 1 hồ sơ, hồ sơ cấp đổi thành công để trả cho người dân là 10 hồ sơ.

Vụ trưởng Vụ Quản lý Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) - ông Lương Duyên Thống - cho biết, việc thực hiện đăng ký phải qua nhiều bước như: Truy cập cổng dịch vụ công, đăng ký, nhận mã xác thực qua điện thoại di động (nếu đúng là số điện thoại chính chủ); tra cứu vi phạm pháp luật giao thông đường bộ; tra cứu dữ liệu sức khỏe; thanh toán trực tuyến… Hầu hết các dịch vụ này đều phải sử dụng cùng một số chứng minh thư hoặc căn cước công dân kết hợp với số điện thoại di động chính chủ để xác định đúng người thực hiện do đó đã dẫn đến hạn chế người dân trong việc khai báo, đăng ký trên cổng dịch vụ công. Cùng với đó, khi sử dụng dịch vụ, công dân phải thanh toán trực tiếp lệ phí đổi GPLX vào kho bạc, trong trường hợp đăng ký không thành công (do hồ sơ chưa hợp lệ) việc hoàn trả lại tiền sẽ mất rất nhiều thời gian.

Theo thống kê, trong giai đoạn thí điểm tại Hà Nội chỉ có 3 bệnh viện và Hà Nam có 8 bệnh viện, trung tâm y tế để kiểm tra khám sức khỏe và tích hợp mã khám sức khỏe điện tử trên cổng dịch vụ công Quốc gia. Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - bà Phan Thị Thu Hiền - việc kết nối dữ liệu giữa ngành Công an (CSGT) với cơ sở dữ liệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa ổn định khiến nhiều người chưa nắm được thông tin, hoặc chưa thấy được các lợi ích của dịch vụ công mức độ 4 mang lại nên số người tham gia sử dụng dịch vụ còn hạn chế so với nguồn vốn đầu tư.

Đại diện Bộ GTVT cho biết, đã kiến nghị tiếp tục triển khai thí điểm dịch vụ công trên cổng dịch vụ công trong năm 2021 theo hướng mở rộng phạm vi đơn vị, cơ sở y tế tham gia khám và cung cấp dữ liệu khám sức khoẻ đồng thời khắc phục các khó khăn hiện tại, nhằm thực hiện tốt tại TP.Hà Nội và Hà Nam trước khi mở rộng ra phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, Bộ Y tế mở rộng phạm vi đơn vị, cơ sở y tế tham gia khám và cung cấp dữ liệu khám sức khoẻ tại TP.Hà Nội và Hà Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đổi GPLX.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn