MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu dân cư nằm dưới chân bãi thải của mỏ sắt Tương Lai (xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) với nguy cơ sạt lở mùa mưa bão.

Người dân khu vực có nguy cơ sạt lở thêm nỗi lo khi mùa mưa bão

Việt Bắc LDO | 20/05/2024 18:24

Thái Nguyên - Nhiều hộ dân nằm nép mình dưới các vách đất đá, thậm chí là những bãi thải cao cả chục mét lại thêm nỗi lo sạt lở mỗi khi mùa mưa bão đến.

Những cơn mưa lớn giữa tháng 5 vừa qua khiến gia đình anh Bùi Xuân Tiệp ở xóm Thái Trung, xã Quy Kỳ (huyện Định Hóa) thêm phần lo lắng. Bởi ngay phía sau căn nhà của anh Tiệp là quả đồi với vách đất dựng đứng cao gần 40m.

Nhìn về vách đất sau nhà, anh Tiệp lo lắng: "Từ bức tường nhà tôi đến bờ vách chỉ có hơn 2m, sạt lúc nào thì khó mà biết được. Cả quả đồi lớn thế nếu sạt thì cả căn nhà chắc chắn sẽ bị vùi lấp".

Gần đó, ngôi nhà của chị Hoàng Thị Thắm cũng đang bị vùi lấp quá nửa nên cả gia đình không dám ở, một căn nhà tạm cách đó vài mét được dựng lên.

"Chỗ ở hiện tại cũng có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào, biết là nguy hiểm nhưng hiện tại gia đình tôi chưa có nơi nào khác để di dời nên đành bám trụ", chị Thắm cho hay.

Điểm dân cư tại xóm Thái Trung (xã Quy Kỳ, Định Hóa) với nguy cơ cao về sạt lở.

Theo tìm hiểu, xóm Thái Trung hiện có 5 hộ bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất. Cơ quan chức năng đã tiến hành giật cấp ta luy dương, di chuyển đất sạt trượt đi nơi khác. Tuy nhiên, liên kết địa chất kém và ta luy dương cao nên nguy cơ sạt trượt vẫn rất cao.

Thông tin tới PV, ông Lâm Đức Quỳnh - Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ cho biết, trên địa bàn xã có 51 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Trong đó, một số điểm được đánh giá có nguy cơ cao như xóm Thái Trung.

"Nếu muốn xử lý triệt để thì phải hạ gần như hết quả đồi cao phía sau nhà dân. Để đảm bảo an toàn, chính quyền đã không cho người dân xây nhà mới tại khu vực này, đồng thời đề nghị nâng cao cảnh giác thời điểm mưa bão", ông Quỳnh cho hay.

Cách đó hơn 50km, người dân xóm 10, xã Cù Vân (Đại Từ) đã không còn lạ với tình trạng sạt lở đất đá khi mưa lớn. Mỏ sắt Cù Vân đã dừng hoạt động gần 2 năm nay nhưng nỗi lo lắng của người dân thì vẫn kéo dài.

Ông Hoàng Văn Phú (xóm 10) cho biết, cứ mỗi khi mưa lớn, nước đục ngầu từ mỏ lại trút xuống ào ào. Tình trạng sạt lở xảy ra như cơm bữa. Kết cấu đất yếu sau thời gian dài khai thác khiến đất, đá từ trên cao đổ xuống.

"Bãi thải cao như quả núi chất trên đầu nhà dân, nhà tôi và nhiều hộ dân khác ngay sát sách. Đất đá sau quá trình khai mỏ đổ về, chất đống chứ có gia cố gì đâu, kết cấu yếu thế thì nguy cơ sạt lở là rất cao", ông Phú lo lắng.

Mỏ sắt Cù Vân đã dừng hoạt động nhưng vẫn để lại nỗi lo sạt lở cho người dân.

Theo một vị lãnh đạo UBND xã Cù Vân, việc người dân lo lắng sạt lở dưới chân mỏ sắt là có cơ sở. Trên thực tế, đơn vị khai thác là HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công vẫn chưa hoàn thành quá trình hoàn thổ, khôi phục môi trường để giảm thiểu nguy cơ sạt lở.

Huyện Đại Từ hiện có 267 hộ dân, cơ quan đơn vị có nguy cơ sạt lở đất với khoảng hơn 900 người dân bị ảnh hưởng. Ngoài nguyên nhân tự nhiên thì việc người dân tự ý bạt đồi làm nhà cũng dẫn tới nguy cơ sạt lở.

Ông Trần Đăng Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết, việc người dân tự đào, cắt tầng đất, tự tạo ra ta luy dương cũng dẫn tới nguy cơ sạt lở vào nhà. Trường hợp này, chính quyền chỉ cảnh báo, hỗ trợ di chuyển khẩn cấp chứ không thể bố trí tái định cư.

"Chúng tôi rất quyết liệt, tuyên truyền, ngăn chặn người dân tự ý bạt đồi, làm nhà dưới các ta luy dương. Đặc biệt không quy hoạch đất ở, khu dân cư tại các khu vực có nguy cơ sạt lở", ông Minh thông tin.

Thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên, trên địa bàn có trên 200 điểm có nguy cơ sạt lở đất tại 149 xóm, tổ dân phố của 55 xã, phường, thị trấn, ảnh hưởng đến trên 2.200 hộ dân, cơ quan, đơn vị và hơn 8.500 người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn