MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân lâm cảnh nợ nần khi đầu tư xây dựng nhà trọ. Ảnh: Minh Hạnh

Người dân lâm cảnh nợ nần khi đầu tư xây dựng nhà trọ ở Thái Nguyên

Minh Hạnh LDO | 09/09/2023 09:04

Thái Nguyên - Một số doanh nghiệp thu gọn sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động và lương công nhân thấp… khiến lượng công nhân ngoại tỉnh giảm sút, dẫn đến việc nhiều hộ kinh doanh nhà trọ tại phường Hồng Tiến, TP. Phổ Yên đang đứng trước nguy cơ nợ nần.

Cùng với việc phát triển mạnh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại địa phương, nhiều hộ gia đình tại, phường Hồng Tiến, TP. Phổ Yên (Thái Nguyên) đã xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê để tăng thêm thu nhập.

Theo ông Hà Văn Trăm - Trưởng xóm Mãn Chiêm, phường Hồng Tiến, TP Phổ Yên, hiện xóm Mãn Chiêm có hơn 20 gia đình xây nhà cho công nhân thuê với trên 1.000 phòng trọ.

Cả khu nhà trọ hàng chục phòng nhưng chỉ cho thuê được 5 phòng. Ảnh: Minh Hạnh

Từ đầu năm 2023 đến nay nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động và lương công nhân thấp chỉ 6-7 triệu/người/tháng nên nhiều người bỏ việc. Nhiều hộ kinh doanh nhà trọ khó khăn, lâm vào cảnh nợ nần vì mỗi phòng trọ xây dựng từ 40 – 60 triệu, trong khi đó phần lớn là tiền vay ngân hàng.

Theo anh Mạc Văn Thái – xóm Mãn Chiêm, gia đình anh vay ngân hàng 300 triệu đồng để xây dựng khu nhà trọ hơn 20 phòng. Nhưng hiện chỉ cho thuê được 7 phòng với giá 700.000 đồng/phòng, khiến việc trả lãi ngân hàng rất khó khăn.

This browser does not support the video element.

Anh Mạc Văn Thái ở xóm Mãn Chiêm vay ngân hàng 300 triệu xây nhà trọ nhưng không có khách.

Cùng đó, ông Nguyễn Văn Hiển xóm Mãn Chiêm cho biết, phần lớn các gia đình trong xóm đều phải vay ngân hàng xây phòng trọ với mục đích cho công nhân tại các khu công nghiệp Điềm Thụy, Sông Công thuê. Cụ thể, gia đình ông có gần 30 phòng, chi phí xây mỗi phòng trên 40 triệu đồng nhưng hiện chỉ cho thuê được 6 phòng với mức giá 600.000 đồng/phòng/tháng không đủ tiền trả lãi suất ngân hàng.

Đại diện chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và  Phát  triển nông thôn (Agribank) Phổ Yên cho biết, việc người dân vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh trong đó có việc xây nhà trọ cho công nhân thuê nếu đủ các điều kiện thì vẫn thực hiện bình thường. Trong trường hợp các khoản vay không trả được nợ thì ngân hàng sẽ cơ cấu lại nợ, nếu khó khăn quá thì phải xin phép gia hạn nợ.

Theo chị Bàn Thị Út, quê huyện Đại Từ, làm công nhân tại khu công nghiệp Điềm Thụy, những năm trước đây khu nhà trọ này kín phòng, nhưng sau dịch COVID-19, người thuê phòng giảm dần và đến nay cả dãy nhà trọ hơn 10 phòng chỉ còn 3 phòng được thuê.

Chị Út cho biết thêm, hiện thu nhập của chị bình quân 7 triệu đồng/tháng nên việc thuê nhà 700.000 đồng/tháng là rất lớn, do đó chị cũng đang tìm bạn ở ghép để giảm chi phí.

Ngoài việc khó khăn của các chủ nhà trọ, tình hình an ninh trật tự tại xóm Mãn Chiêm được coi là nóng nhất địa bàn phường Hồng Tiến, vì đây là khu vực giáp ranh với huyện Phú Bình và TP.Sông Công.

Theo ông Hà Văn Trăm, lượng công nhân làm việc tại các khu công nghiệp lớn, trong đó phần lớn là công nhân trẻ, đến từ nhiều địa phương với nhiều văn hóa, phong tục khác nhau… Nên cũng phát sinh nhiều bất cập.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Báo Lao Động, Đại úy Nguyễn Huy Bình – Phó trưởng Công an phường Hồng Tiến cho biết, với lượng công nhân đông nên cũng có nhiều phức tạp. Nhiều lao động làm thời vụ không đăng ký tạm trú, tạm vắng ở nhà người quen.

Khu nhà trọ vắng hoe. Ảnh: Minh Hạnh

Để quản lý an ninh trật tự, công an phường phối hợp, tuyên truyền với các chủ nhà trọ, trưởng xóm hỗ trợ công nhân đăng ký tạm trú tạm vắng. Đồng thời yêu cầu các chủ nhà trọ cũng phải cam kết quản lý người thuê trọ phải thực hiện đăng ký tạm trú”, Đại úy Nguyễn Huy Bình cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn