MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không chỉ mưu sinh dựa vào nghề đánh bắt cá trên sông Đà, người dân làng chài đã lên bờ xin làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp. Ảnh: Khánh Linh

Người dân làng vạn chài giữa lòng TP Hòa Bình lên bờ làm công nhân

Khánh Linh LDO | 12/03/2023 10:00
Người dân làng vạn chài giữa lòng TP Hòa Bình đã dần đi lên bờ, tìm việc làm công nhân trong các công ty, xí nghiệp với mức thu nhập ổn định, đủ trang trải cuộc sống.

19h tối, trên con xe đạp của mình, chị Lê Thị Mai (SN 1985, người dân làng chài, phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) trở về thuyền sau một ngày dài làm việc. Hôm nay là ngày đầu tiên chị đi xin việc ở chỗ làm mới với nhiều bỡ ngỡ và lắng lo. 

Từ khi sinh ra và lớn lên, chị đã theo gia đình lênh đênh trên sông nước. Đến khi lấy chồng, hai vợ chồng lại tiếp tục mưu sinh trên dòng Đà Giang. Nghề sông nước lúc chìm lúc nổi, sau bao đắn đo, chị đã quyết định lên bờ, đi tìm việc tại các nhà xưởng trong thành phố. 

Chị Mai tâm sự: "Ở khúc sông này, tôm cá ngày càng ít đi, mà làm nghề chài không phải lúc nào cũng kiếm được. Có những ngày một đêm kiếm được 500-700.000 đồng, cũng có đợt 3,4 ngày không kiếm được đồng nào. Chưa kể tiền đồ nghề, tiền xăng cũng phải bỏ ra nhiều nên đi làm đêm hôm mà chỉ đủ ăn".

Cũng theo người phụ nữ làng vạn này, khi lên bờ, điều khó khăn nhất đối với chị cũng như những người dân chài là không có kiến thức, không có kinh nghiệm, mọi thứ phải học lại từ đầu.  

 Làng vạn chài phường Thịnh Lang, TP Hoà Bình nằm dưới chân cầu Hoà Bình 3. Ảnh: Khánh Linh

Không những thế, việc quá độ tuổi so với yêu cầu tuyển dụng cũng là một trong những khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm của những người dân làng vạn lên bờ tìm việc.

Còn với Nguyễn Hằng (SN 2000) học xong THPT, thay vì theo mẹ làm nghề cá thì, em lựa chọn việc đến làm cho một công ty tại KCN Bờ trái sông Đà (phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình). Hằng nói: "Hầu hết những người trẻ ở làng chài, sau khi học xong cấp 3, nếu không đi học lên chuyên nghiệp thì sẽ vào các công ty, xí nghiệp xin làm công nhân. So với nghề đánh bắt cá, làm công nhân đỡ vất vả và thu nhập ổn định hơn". 

Tuy nhiên, theo Hằng, do không có trình độ nên những người công nhân từ xóm vạn chài chỉ có thể làm tại các khâu sản xuất, ít yêu cầu trình độ. 

 Chị Lê Thị Mai trở về làng chài sau ngày đầu tiên lên bờ thử việc. Ảnh: Khánh Linh

"Nếu được lựa chọn lại, em sẽ chọn đi học cao đẳng, đại học để có nhiều cơ hội việc làm hơn cho sau này" - Hằng nói.

Trò chuyện với PV, ông Ngô Văn Thông - Trưởng xóm vạn chài cho biết: "Làng chài có 72 hộ dân với gần 250 nhân khẩu thì có đến hơn 30% người dân đã lên bờ làm các công việc khác nhau, trong đó chủ yếu là công nhân". 

Theo ông Thông, mỗi năm, chỉ có mùa nước đục vào tháng 4,5,6 hàng năm thuận lợi để đi đánh cá. Còn các mùa còn lại, nước trong, ít tôm cá, đi chài lưới hôm được hôm không. Có những khi tiền kiếm được không đủ tiền xăng và đồ nghề, dụng cụ. 

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Nô - Bí thư Đảng ủy phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình cho biết: "Việc đánh bắt cá trên sông không ổn định, việc chài lưới thường phải đi đêm, tiềm ẩn những hiểm nguy cho người dân làng chài. Việc người dân lên bờ tìm việc làm để có thu nhập ổn định cũng là một điều tích cực". 

Cuộc sống lênh đênh chìm nổi, nhiều người dân chài ước vọng được lên bờ để có cuộc sống và cơ hội việc làm ổn định hơn. Ảnh: Khánh Linh 

Hiện nay, không chỉ lên bờ làm công nhân, nhiều gia đình ở làng vạn chài cũng hướng cho con em đi học tại các trường cao đẳng, đại học hoặc đi lao động xuất khẩu. 

Đoàn thanh niên và các hội, đoàn thể cũng thường xuyên vận động người dân làng vạn đến các hội hướng nghiệp hoặc phiên giao dịch việc làm trên địa bàn thành phố để có cơ hội tìm việc làm ưng ý.

"Nhiều hộ dân nơi đây cũng đã mua đất tái định cư ở trên bờ, song song với đó vẫn duy trì việc nuôi cá lồng để có thêm thu nhập. Hiện làng vạn chài có khoảng 70 lồng cá, cho người dân thu nhập khá. Đến thời điểm hiện tại, nhờ sự quan tâm cuộc sống của bà con làng chài cơ bản đã ổn định" - vị Bí thư Đảng ủy nói thêm. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn