MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điều trị bệnh nhân tại bệnh viện FV (quận 7, TPHCM). Ảnh: BVCC

Người dân lo gánh nặng viện phí

Thành Sơn LDO | 26/11/2022 13:09

Bộ Y tế đang xây dựng, xin ý kiến về Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp. Theo đó, hầu hết các dịch vụ có thể sẽ tăng giá theo hướng tính đúng, tính đủ, giúp các cơ sở thu đủ bù chi. Tuy nhiên, điều này cũng tăng nỗi lo về gánh nặng viện phí, phụ phí cho người bệnh. 

Tăng giá dịch vụ y tế theo yêu cầu có phù hợp chất lượng?

Theo Dự thảo của Bộ Y tế, dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu (chưa kể các dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, xét nghiệm và các thủ thuật) ở bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế... tối đa 300.000 đồng/lần khám. Các cơ sở y tế khác giá tối đa 200.000 đồng/lần khám. Trường hợp mời các chuyên gia trong và ngoài nước khám, tư vấn sức khỏe, giá theo thỏa thuận giữa cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ.

Giá giường nằm tại phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế) tối đa 3 triệu đồng một ngày với bệnh viện hạng đặc biệt, hạng một, mỗi phòng một giường. Cùng hạng bệnh viện này, nếu phòng có hai giường giá 2,5 triệu đồng/giường; phòng 3 giường giá 1,5 triệu đồng/giường, phòng 4 giường giá 1,3 triệu đồng/giường. Các cơ sở y tế khác tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, giá giường nằm tối đa 2 triệu đồng/giường.

Theo các chuyên gia y tế, việc xây dựng dự thảo này nhằm thống nhất giá và các điều kiện khám dịch vụ cho các bệnh viện công, không để tình trạng mỗi nơi một giá hoặc điều kiện vật chất, dịch vụ chưa tương xứng với giá mà bệnh viện quy định.

Lãnh đạo một bệnh viện hạng 1 cho biết, mức giá được Bộ Y tế đưa ra là phù hợp hiện nay. Nhiều phòng bệnh thiết kế với không gian như khách sạn hạng sang, người bệnh được cung cấp vật dụng thiết yếu. Do đó, việc cho phép thu phí ở mức tối đa 3 triệu đồng/ngày cũng là phù hợp.

Theo TS-BS Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định hiện hành mới tính trên cơ sở 4/7 yếu tố cấu thành giá và đã lỗi thời, thu không đủ bù chi. Vì vậy, theo ông, cần điều chỉnh giá các dịch vụ kỹ thuật song hành cùng với quy định giá khám và giường bệnh yêu cầu. 

Ông Hùng cho rằng, cần phải làm rõ dịch vụ yêu cầu là gì. Không nên để bệnh nhân phải trả thêm với các dịch vụ đáng ra họ được hưởng. Với bệnh viện công, cần quan tâm các dịch vụ cơ bản. Ngoài ra, thực hiện theo yêu cầu cần lưu ý không nên để tình trạng dồn bệnh nhân BHYT nằm ghép để họ phải lựa chọn nằm giường theo yêu cầu. 

"Muốn có các điều kiện bảo đảm chất lượng thì quỹ BHYT phải thanh toán đủ chi phí cho các dịch vụ cơ bản đó. Nếu chỉ mua BHYT với mức thấp thì không thể có những kỹ thuật cao như mong muốn. Do đó, nên có các gói BHYT phù hợp với các mức phí khác nhau" - ông Hùng nói. 

Trước thông tin giá dịch vụ y tế theo yêu cầu sẽ tăng nếu Dự thảo được thông qua, nhiều người dân cho rằng, việc giá dịch vụ y tế tăng là chuyện sớm muộn sẽ xảy ra, nhưng phải làm sao để chất lượng y tế tương xứng với giá thành. 

"Bệnh viện tuyến dưới thì chất lượng kém, phòng bệnh không đáp ứng được, như con tôi ốm phải nằm viện ở bệnh viện tuyến huyện, giường bệnh vẫn chải manh chiếu cũ, ẩm mốc. Trong khi đó, chuyển con đi bệnh viện tuyến Trung ương thì quá tải, không có giường mà nằm, phải nằm hành lang, nằm ghép.

Giá dịch vụ y tế có tăng, nhưng dịch vụ cũng phải tăng theo chứ lo nhất là tăng mà không tương xứng"- chị Nguyễn Thị Vân Anh (ở Sơn Tây - Hà Nội) chia sẻ. 

Người dân có nguy cơ "cháy túi" vì dịch vụ y tế?

Hiện nay, giá viện phí mới bao gồm 4 yếu tố: Thuốc, vật tư; điện, nước; bảo trì thiết bị; lương, phụ cấp. Trong khi đó, nếu tính đủ 7 yếu tố viện phí sẽ gồm các chi phí: Thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.

 Khi giá viện phí được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ, chắc chắn sẽ tác động đến quỹ BHYT, người dân có nguy cơ phải bỏ ra số tiền lớn để chi trả cho chi phí y tế. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, giá dịch vụ y tế tăng là một tất yếu.

"Chi phí đẩy" - chi phí sản xuất đầu vào tăng, đương nhiên giá dịch vụ y tế sẽ tăng. Giá điện tăng, giá nước tăng, chi phí sản xuất ở tất cả các ngành sẽ tăng, chứ không chỉ riêng ngành y tế.  

"Nếu tăng giá dịch vụ y tế, yêu cầu quỹ bảo hiểm y tế trả nhưng lại vượt khả năng của quỹ thì chỉ có cách tăng mức đóng bảo hiểm y tế cao hơn. Đồng thời, phải kèm theo các giải pháp khác để kiểm soát chi phí y tế. Vì kiểm soát chi phí y tế là một vấn đề rất phức tạp"- chuyên gia này nói. 

Theo ông, có nhiều mô hình, công cụ để kiểm soát, bảo hiểm chỉ là một trong những công cụ tài chính. Đơn cử như việc hướng dẫn điều trị hợp lý cũng là một công cụ, bệnh nào dùng thuốc đơn giản trước, bệnh nào phải dùng biệt dược, bệnh nào phải mổ hay không mổ... tất cả đều liên quan đến việc chi phí hiệu quả; rồi năng lực trình độ của bác sĩ, bác sĩ mổ xong 1 lần khỏi bệnh thì sẽ đỡ tốn kém chi phí cho bệnh nhân...

Chuyên gia này cho rằng, đối với hệ thống y tế phân tuyến như ở Việt Nam cần phải áp dụng theo giá dịch vụ. Nếu khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm không đáp ứng được thì một là người dân phải đóng phí cao hơn, hai là Nhà nước phải bao cấp, đài thọ. 

Nguyên tắc trong sản xuất dịch vụ là phải đảm bảo chi phí thì mới đảm bảo được chất lượng của dịch vụ. Người dân muốn một dịch vụ y tế tốt thì phải đảm bảo 3 yếu tố. Một là cơ sở hạ tầng, nhà cửa phòng ốc phải tốt, sạch, nước cũng phải sạch, tránh nhiễm khuẩn bệnh viện. Hai là trang thiết bị y tế và ba là nhân lực phải tốt. Nếu một trong các yếu tố không tốt thì không thể đảm bảo dịch vụ y tế tốt được. 

Về lâu về dài phải quay về mức phí, tức là Nhà nước ấn định mức thu, quỹ bảo hiểm năng lực đến đâu thì trả đến đó, còn lại thì bệnh nhân trả và Nhà nước bao cấp. Nếu coi y tế là phúc lợi thì sẽ phải làm như vậy, còn nếu coi y tế là dịch vụ thì buộc người dân phải tự chi trả, không còn cách nào khác. 

Theo các chuyên gia, để người dân không bị "cháy túi" vì dịch vụ y tế, thì y tế cần trở thành phúc lợi từ ngân sách Nhà nước. Nhà nước sẽ bao cấp nhưng thông qua việc thu thuế cao lên. Nhà nước phải lấy từ thuế ra, thuế cũng là do người dân đóng vào. Khi mà phúc lợi xã hội đã đạt đến mức đó, thì quỹ bảo hiểm y tế sẽ không cần thiết nữa. Đó cũng là một con đường, một phương án cho y tế. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn