MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một phần phường Ngã Tư Sở sáp nhập vào Khương Thượng, còn lại vào Thịnh Quang. Ảnh minh họa: Thế Kỷ

Người dân lo lắng xáo trộn thông tin, thay đổi giấy tờ khi sắp xếp đơn vị hành chính

Vương Trần LDO | 01/03/2024 12:33

Nhiều người dân bày tỏ băn khoăn, lo lắng các nội dung liên quan tới giấy tờ, thông tin khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại Hà Nội.

Những ngày qua, thông tin liên quan tới sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã tại Hà Nội nhận được nhiều sự quan tâm của người dân.

Hằng ngày, vào thời gian rảnh, bà Nguyễn Thị An (60 tuổi, phố Vĩnh Hồ, phường Ngã Tư Sở) lúc thì mở tivi, khi thì nghe đài để cập nhật các thông tin về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã trong đó có phường Ngã Tư Sở - nơi bà đang sinh sống.

Căn nhà ở phố Vĩnh Hồ, phường Ngã Tư Sở gắn bó với vợ chồng bà An hàng chục năm qua với nhiều kỷ niệm. Lấy chiếc căn cước công dân gắn chip, bà An chỉ vào từng thông tin và nói cái tên “Ngã Tư Sở” đã gắn bó vào tâm thức của nhiều người dân ở Thủ đô về hạ tầng giao thông với những trục đường chính.

Bà An cho biết, theo thông tin từ cán bộ phường, một phần phường Ngã Tư Sở sáp nhập vào Khương Thượng, còn lại vào Thịnh Quang. Điều bà An lo lắng nhất là các thông tin trên giấy tờ không biết sắp tới phải thay đổi như thế nào cho phù hợp, từ giấy tờ nhà đất, căn cước công dân, thông tin giao dịch ngân hàng... rồi các loại giấy tờ khác.

“Thực ra giờ nếu sáp nhập về phường nào thì cũng là đổi cái tên, còn thực chất thì chúng tôi vẫn ở đây. Điều lo lắng của người già chúng tôi đó là ‘mắt mờ, chân chậm’, chỉ sợ không biết hết các thủ tục để cập nhật thông tin rồi thay đổi thông tin trên giấy tờ. Việc này liên quan tới nhà cửa, rồi việc đi học của các cháu, việc buôn bán của các con” - bà An nói.

Bà An chỉ là một trong số rất nhiều người lo lắng về việc thay đổi thông tin giấy tờ nếu sắp xếp đơn vị hành chính.

Người dân ở phường Ngã Tư Sở nói về địa giới hành chính phường. Ảnh: T.Vương

Trao đổi với Lao Động, ông Trịnh Thế Lộc - Phó Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở cho biết, một phần phường Ngã Tư Sở sáp nhập vào Khương Thượng, còn lại vào Thịnh Quang. Hiện tại, quận Đống Đa đang giao cho phường để rà soát, xin ý kiến cử tri. Sang tháng 3.2024 sẽ có cuộc họp của HĐND thành phố xem xét cụ thể về các nội dung này.

“Việc sắp xếp, sáp nhập ĐVHC sẽ lấy đường Tây Sơn làm tim đường để sáp nhập sang 2 phường. Còn về nội dung tên phường, thông tin giấy tờ của người dân thay đổi sau này thì sau khi có phương án chốt của HĐND TP mới quyết định” - ông Lộc nói và đang tiếp tục rà soát các công việc liên quan.

Theo phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025, thành phố Hà Nội giữ nguyên 30 ĐVHC cấp huyện (gồm 17 huyện, 12 quận, 1 thị xã) và dự kiến giảm 70 ĐVHC cấp xã, chỉ còn 509 đơn vị bao gồm 321 xã, 168 phường, 20 thị trấn.

Giai đoạn 2023-2025, các quận, huyện, thị xã có ĐVHC cấp xã phải sáp nhập gồm: Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Đống Đa, Long Biên, Đan Phượng, Thường Tín, Quốc Oai và Sơn Tây.

Trong đó, quận Đống Đa dự kiến sáp nhập 6 phường thành 4 phường. Với quận Hai Bà Trưng, thành phố đề xuất nhập 7 phường thành 4 phường. Ở quận Thanh Xuân, 4 phường được đề xuất sáp nhập thành 2 phường. Tại quận Long Biên, 3 phường được sáp nhập để giảm còn 2 phường…

Để thực hiện nhiệm vụ sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã, Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 (Ban Chỉ đạo) đã đề ra loạt nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó có nội dung yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong chuyển đổi giấy tờ do có thay đổi từ việc sắp xếp ĐVHC, giải quyết các chế độ, chính sách gắn với ĐVHC cho người dân bảo đảm kịp thời, minh bạch, đúng đối tượng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn