MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các trận động đất ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Viên Nguyễn

Người dân miền núi Quảng Ngãi bất an vì động đất

Viên Nguyễn LDO | 03/08/2024 08:48

Nhiều năm qua, huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi đã chịu ảnh hưởng từ các vụ động đất ở tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, theo người dân và cán bộ huyện Sơn Tây, những đợt rung lắc do ảnh hưởng của động đất ở tỉnh Kon Tum vào cuối tháng 7.2024 là mạnh nhất trong hàng chục năm qua, khiến nhiều người phải bỏ chạy ra khỏi nhà và cơ quan vì lo sợ.

Động đất ngày càng lớn

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Nguyễn Trân ở xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây cho biết: “Trưa ngày 28.7, tôi đang ở nhà một mình thì bất ngờ thấy ngói trên mái nhà bị rơi xuống loảng choảng, nhà cửa rung lắc rất mạnh kéo dài khoảng 10 giây. Sợ quá nên tôi bỏ chạy ra khỏi nhà. Không chỉ ngói bị bung khỏi mái mà nhiều vị trí vách tường nhà cũng bị nứt”.

Tại trụ sở cũ của UBND Sơn Tây, nay là nơi làm việc của các cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Sơn Tây, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh huyện Sơn Tây cũng xuất hiện nứt tường và hư hỏng sau trận động đất. Tại một số phòng, ban làm việc của cán bộ, công chức và các cơ quan đoàn thể, xuất hiện vết nứt kéo dài từ cửa ra vào lên mảng tường một số phòng. Tại một số khu vực, vết nứt rộng và kéo dài xuất hiện phía trên trần nhà làm việc, lộ khối gạch bên trong.

“Ở đây có 17 cán bộ, nhân viên các hội đoàn thể của huyện làm việc thường xuyên nên chúng tôi cũng lo. Hy vọng không còn trận động đất nào mạnh như trận vừa rồi” - một cán bộ huyện Sơn Tây bày tỏ.

Nhà của gia đình ông Đinh Nguyễn Trân ở xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi bị bay phần mái ngói do ảnh hưởng của động đất. Ảnh: Viên Nguyễn

Thích ứng để sống chung với động đất

Theo tin từ Viện Vật lý địa cầu, trong các ngày 28 và 29 tháng 7 năm 2024 đã liên tiếp xảy ra nhiều trận động đất tại huyện Kon Plông (Kon Tum), trong đó trận động đất lớn xảy ra lúc 11 giờ 35 phút ngày 28.7.2024 với độ lớn 5.0, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 ở khu vực tâm chấn và lân cận (đây là trận động đất có cường độ lớn nhất quan trắc được từ năm 1903 đến nay tại khu vực). Dư chấn của động đất đã gây rung lắc trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, nhất là người dân tại các huyện miền núi gần khu vực tâm chấn gồm: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng.

Huyện Sơn Tây có 9 dự án thủy điện. Trước thực trạng động đất xảy ra liên tiếp, huyện đã yêu cầu các nhà máy thủy điện tăng cường công tác kiểm tra và giám sát.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trân - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, địa hình của huyện phía Tây Nam giáp với huyện Kon Plông (Kon Tum). Với địa hình có nhiều đồi núi và có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thực hiện công điện của UBND tỉnh Quảng Ngãi, huyện Sơn Tây đang tập trung tuyên truyền, cảnh báo cho nhân dân về nguy cơ tác động của động đất.

Huyện Sơn Tây đã chủ động thành lập và duy trì 2 nhóm Zalo về công tác phòng, chống thiên tai và kết nối với các địa phương trên địa bàn huyện để nắm bắt những thiệt hại tại địa phương do rung chấn của động đất gây ra, từ đó sớm có giải pháp hỗ trợ người dân bị thiệt hại.

PGS-TS Trần Tân Văn - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản - cho hay, động đất ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng đã được đề cập rất nhiều năm nay. Các nhà khoa học nhận định động đất kích thích ở khu vực này do hoạt động chứa nước và xả nước của các hồ chứa. Tất cả các trận động đất hiện nay cơ bản có cường độ thấp, từ 4-5 độ Richter. Riêng đối với động đất, chưa có cách nào để dự báo chính xác, chỉ có thể đoán gần đúng khi động đất xảy ra, nhất là động đất kích thích.

Khi một hồ chứa thi công xong, trong quá trình tích nước, mực nước lên xuống đột ngột, mực nước này chính là tải trọng rất lớn đè lên nền đất gây ra biến đổi trạng thái ứng suất trong nền đất. Biến đổi trạng thái ứng suất có thể tác động lên đới dập vỡ, các khe nứt, làm khả năng gây ra động đất.

Theo PGS-TS Trần Tân Văn, với cường độ động đất như vậy, nếu nhà cửa xây dựng kiên cố cũng chưa gây nứt vỡ nhiều, tuy nhiên khi ông đi thực tế ở khu vực miền Trung nhận thấy người dân xây nhà với vách tường còn mỏng, không làm tường đôi giống như ngoài Bắc. Cách ứng phó hiệu quả nhất là người dân cố gắng xây dựng nhà cửa kiên cố hơn để thích ứng với động đất kích thích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn