Hộ gia đình bà Lê Thị Cúc, thôn Bãi Ổi xã Chi Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) nuôi 9 con bò, những ngày thường số bò này được chăn thả trên đồi, núi. Mấy ngày vừa qua, do không khí lạnh, nhiệt độ giảm sâu, đàn bò đã được gia đình đưa về nhốt ở chuồng, che chắn bạt kín đáo, bò được ăn no cả thức ăn thô và tinh bột để tăng cường sức đề kháng.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Cúc cho biết: “Trước đây, bất kể mưa rét, trâu, bò được thả ăn trên núi nên chúng thường bị lạnh, bị đói, lăn ra chết; nhưng giờ khác rồi, bò nhốt ở nhà nhưng cũng đã có nguồn thức ăn dự trữ để ăn những ngày này chứ không như trước đây”.
Một số người cao tuổi, là những người có kinh nghiệm nuôi trâu, bò nhiều năm, cho biết, những ngày mưa rét này, việc chủ động che chắn chuồng trại và nguồn thức ăn là vấn để cốt yếu nhất để bảo vệ đàn vật nuôi.
Cùng với việc tận dụng nguồn thức ăn như rơm, cây chuối, cây ngô..., người dân các huyện miền núi còn trồng thêm cỏ voi để bổ sung nguồn thức ăn. Cùng với đó, chủ động vệ sinh chuồng trại, đốt lửa làm tăng nhiệt độ, đồng thời tuân thủ tiêm phòng định kỳ cho bò theo hướng dẫn của trạm thú y…
“Đối với người nông dân như chúng tôi, con trâu, con bò là tài sản lớn. Bởi vậy khi đến mùa đông, mưa rét xuống là chúng tôi phải tìm cách bảo vệ vật nuôi chứ không như trước đây. Những lúc mưa rét, chúng tôi không chăn thả trâu, bò vào rừng nữa mà để ở nhà che chắn chuồng trại, giữ ấm cho chúng…”, ông Lê Văn Tam một người dân chia sẽ.
Trong những ngày này, nhiệt độ ở các huyện miền núi Nghệ An có lúc giảm sâu dưới 10 độ C, ngành chuyên môn Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân che chắn chuồng trại và chuẩn bị nguồn thức ăn tinh cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại kéo dài.
Theo dự báo không khí lạnh sẽ tăng cường trong những ngày tới, gây rét đậm, rét hại . Với sự chủ động, tích cực của người dân và chính quyền địa phương trong phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, sẽ góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho bà con nông dân.