MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ ngày 20 đến 30 tháng chạp hàng năm, người dân miền Nam đều đi Tảo mộ.

Người dân Nam Bộ bắt đầu đi tảo mộ, mời ông bà về ăn tết

Huân Cao LDO | 27/01/2019 19:10

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân miền Nam đều ra nghĩa trang sang sửa mộ phần ông bà tổ tiên, mời ông bà về ăn Tết cùng con cháu. Tục tảo mộ này thường kéo dài từ ngày 20 đến 30 tháng Chạp, tùy theo mỗi gia đình ấn định thời gian để tập hợp con cháu tề tựu về cho đầy đủ.

Đi tảo mộ để thể hiện lòng thành kính với ông bà, tổ tiên

 Anh Võ Văn Thanh bên phần mộ ông bà.

Sáng 27.1 (22 tháng chạp) gia đình anh Võ Văn Thanh, ngụ quận 5 (TPHCM) đã cùng nhau lên tận nghĩa trang Lái Thiêu, thị xã Dĩ An (Bình Dương) để tảo mộ ông bà.

Anh Thanh hiện đang định cư tại thành phố San Diego, bang California (Hoa Kỳ), nhưng năm nào anh cũng về Việt Nam ăn tết cổ truyền của dân tộc và tảo mộ ông bà.

"Là con cháu, cho dù đi đâu làm gì, tôi vẫn luôn hướng về quê cha đất tổ. Vì vậy, vào mỗi dịp tết âm lịch, tôi đều về Việt Nam trước ngày 23 tháng chạp để kịp tảo mộ và tiễn ông Công ông Táo về trời" - anh Thanh nói.

 Hai người con của bà Yến tuy lấy chồng tận Cần Thơ nhưng vẫn về Bình Dương tảo mộ ông bà.

Gia đình bà Nguyễn Thị Yến, ngụ TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã hội tụ đầy đủ các con cháu về đây để tảo mộ ông bà nội và ông bà ngoại.

Theo bà Yến, 5 người con của bà đều đã có gia đình riêng và sống ở các tỉnh, thành xa Bình Dương như: Tây Ninh, Bình Định, Kiên Giang và Cần Thơ. Tuy nhiên, khi ấn định ngày tảo mộ, bà đều thông báo cho các con về thắp nén hương cho những người đã khuất.

"Tôi luôn khuyên các con, dù bận thế nào cũng nên cố gắng về thắp cho ông bà tổ tiên nén hương để mời ông bà về ăn tết. Điều đấy là thể hiện đạo lý, cũng như lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, tổ tiên và với người đã khuất" - bà Yến nói.

 Cháu Huỳnh Trung  Phong được bố hướng dẫn về phần mộ của ông bà.

Trong khi đó, cháu Huỳnh Trung Phong (12 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh,TPHCM) được bố mẹ dẫn theo để tảo mộ ông bà nội.

Phong được bố mẹ hướng dẫn cách cúng viếng, sửa sang mộ phần và bày trí hoa quả để dâng lên phần mộ ông nội.

"Trong lúc làm cỏ mộ, ba đã kể cho cháu nghe những kỉ niệm về ông bà nội khi còn sống. Lời nhắn gửi của ông nội đến với ba và các cháu trước lúc đi xa, những lúc thế này cháu cảm thấy rất cảm động." - cháu Phong nói.

Tảo mộ là truyền thống của dân tộc

 Tảo mộ là cách để người dân bày tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên và những người đã khuất.

Từ ngày 20 đến 30 tháng Chạp hàng năm, người dân miền Nam đi quét dọn, thăm viếng mộ của ông bà, tổ tiên để tỏ lòng thành kính với người đã khuất. Đây là nét văn hóa được người dân duy trì từ đời này sang đời khác trong dịp trước Tết Nguyên đán.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Công Minh - giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, qua nhiều thế kỷ, tảo mộ ở miền Nam và miền Bắc có đôi phần khác nhau về hình thức cũng như thời gian.

Theo đó, ở miền bắc tập tục tảo mộ đa phần diễn ra sau Tết vào đầu tháng 3 (Tiết Thanh minh), còn ở miền nam là cuối tháng chạp. Tuy nhiên, người miền bắc vẫn tổ chức đi viếng mộ ông bà vào dịp cuối tháng chạp.

Dẫu vậy, dù ở đâu trên dải đất hình chữ S này, miền Nam hay miền Bắc, cái hồn, cái cốt của tập tục truyền thống vẫn được lưu giữ qua nhiều thế hệ.

"Việc tảo mộ ngày xuân là nét đẹp của truyền thống uống nước nhớ nguồn, đồng thời là dịp con cháu biết nơi chốn mồ mả ông bà, tổ tiên, để sau này tiếp nối truyền thống. Về mặt tín ngưỡng, tâm linh thì việc nhớ tới người đã khuất còn là bổn phận của lớp cháu con" - nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Công Minh phân tích.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn